Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Hợp đồng với nhà đài: có cũng như không

Đăng lúc: Thứ hai - 15/11/2010 00:33 - Người đăng bài viết: admin
TT - Trong vai một người dân đi đăng ký mới dịch vụ truyền hình cáp SCTV (Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist thuộc Đài truyền hình VN), chúng tôi đến một vài điểm giao dịch để tìm hiểu cụ thể hợp đồng. Tuy nhiên khi xem kỹ bản hợp đồng mới thấy cơ chế “xin - cho” rõ rệt.

Những điều khoản ràng buộc trách nhiệm chỉ toàn nằm phía người dùng, trong khi trách nhiệm của nhà đài rất chung chung như “có trách nhiệm cung cấp tín hiệu CATV kèm theo bảng kênh cho bên A (khách hàng - PV) chậm nhất trong vòng bảy ngày kể từ ngày ký hợp đồng” chứ không hề cam kết tối thiểu sẽ có bao nhiêu kênh, và những kênh trong bảng kênh kèm theo có đảm bảo không bị cắt tùy tiện trong một thời gian nhất định nào đó hay không.

Cũng trong hợp đồng, SCTV “có quyền thay đổi các kênh chương trình mà không cần phải báo trước cho bên A trong các trường hợp sau: phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân; phù hợp với quy định Chính phủ, đáp ứng đường lối chính sách của Nhà nước VN hoặc chương trình có phương hại đến an ninh, chính trị của quốc gia; không mua được bản quyền do phía nhà cung cấp từ chối”.

Nhưng thực tế SCTV từng cắt nhiều kênh được đông đảo người dân yêu thích như HTV2, S1, S2, S3, VCTV3... Còn nếu xét về phương diện không mua được bản quyền, ít ra SCTV cũng phải thông báo thời hạn bản quyền từ khi mua được đến khi chấm dứt để khách hàng nắm rõ...

Chúng tôi cũng đã tham khảo bản hợp đồng của HTVC với khách hàng và thấy cũng không khác mấy so với SCTV. Nghĩa là nhà đài hoàn toàn “nắm dao đằng chuôi” và tha hồ thực hiện những thay đổi tùy thích của mình, bất chấp đông đảo khách hàng có muốn hay không.

ĐỨC THIỆN

 

Khách hàng có thể khởi kiện

Theo Bộ luật dân sự, việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân thủ các nguyên tắc “Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”.

Ở đây có thể thấy SCTV đã đưa ra loại hình hợp đồng theo mẫu, nghĩa là hợp đồng này gồm những điều khoản do một bên (SCTV) đưa ra và bên kia (khách hàng) chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối ký kết. Thời gian đầu, các mẫu hợp đồng thuê bao thu các kênh truyền hình qua mạng cáp (gọi tắt là hợp đồng truyền hình cáp) được in trên giấy trắng của SCTV dù chưa được rõ ràng, nhưng có vẻ tuân thủ các nguyên tắc ký kết với nội dung khá đầy đủ (điều khoản giá cả, quyền và nghĩa vụ các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng...). Căn cứ vào những hợp đồng này, việc tăng giá dịch vụ, thay đổi kênh từ một phía SCTV là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng bởi lẽ:

- Trước khi ký kết, khách hàng sẽ được tư vấn các kênh truyền hình nhà đài cung cấp và SCTV cũng cam kết họ chỉ thay đổi chương trình phù hợp với quy định của Chính phủ và đáp ứng đường lối chính sách của Nhà nước mà không phải thông báo cho khách hàng. Điều này tạo niềm tin cho khách hàng về việc mình sẽ được sử dụng dịch vụ như được tư vấn.

- Hơn nữa, hợp đồng mẫu có đề cập nếu một trong hai bên có yêu cầu thay đổi, bổ sung có thể thông báo cho bên kia trước bảy ngày. Điều này có nghĩa một bên gửi yêu cầu sửa đổi hợp đồng và khi các bên đồng ý thỏa thuận sửa đổi hợp đồng, thì việc này phải được hai bên cùng ký kết bằng văn bản mới có giá trị pháp lý.

Với nội dung thông báo tăng giá đơn phương từ phía SCTV, rõ ràng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng đã bị xâm phạm nên khách hàng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

Trong giai đoạn sau, SCTV đưa ra một hợp đồng mẫu khác (in trên giấy màu hồng) mà khi đọc khách hàng hoàn toàn là bên yếu thế. Các nguyên tắc ký kết hầu như bị bỏ qua. Hợp đồng thậm chí không có điều khoản về giá cả như các hợp đồng trước đây.

Với những mẫu hợp đồng này, khách hàng phải cam kết nhiều điều bất lợi cho mình, các quy định rất lập lờ, chẳng hạn trách nhiệm và nghĩa vụ của khách hàng theo hợp đồng là rất cụ thể nhưng trách nhiệm của nhà đài thì rất chung chung, thậm chí khá vô lý.

Ví dụ: “SCTV có thể thay đổi các kênh chương trình mà không cần thông báo trước do không mua được bản quyền” (?!) hay “để phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân” (?!).

Bản thân mẫu hợp đồng truyền hình cáp này có điều khoản mâu thuẫn, không rõ ràng, đầu tiên thì cho rằng nhà đài sẽ lắp đặt và cung cấp dịch vụ theo gói kênh khách hàng yêu cầu, nhưng cuối cùng lại cho mình quyền thay đổi các kênh, thậm chí có thể thay đổi tất cả nội dung của hợp đồng.

 Luật pháp cũng lường trước những tình huống này nên đã quy định trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng, thì bên đưa ra hợp đồng phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó hoặc giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế...

Thêm vào đó, khi chứng minh được có sự thông tin quảng cáo sai sự thật hay việc cung cấp dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng của nhà đài, khách hàng có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện (ví dụ: Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Những vụ kiện này, xét dưới góc độ pháp lý, là hoàn toàn có cơ sở và hết sức bình thường.

Luật sư TRẦN VƯƠNG THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)

SCTV “thôn tính” Cáp Tây Đô!

TT - Khoảng một tuần qua, rất nhiều khán giả ĐBSCL tỏ ra bức xúc vì các kênh truyền hình của nhà cung cấp là Công ty cổ phần truyền hình cáp Tây Đô đã bị xáo trộn, thậm chí bị mất một số chương trình.

 

Sau khi Cáp Tây Đô được “sang tay” cho SCTV, người dân tại TP Cần Thơ không xem được một số kênh truyền hình - Ảnh: P.N.

Bà Trương Thị Bạch Thủy ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Cần Thơ) cho biết: “Tui đang theo dõi bộ phim Lưu Bá Ôn do Đài truyền hình Vĩnh Long phát, nay bỗng dưng mất tiêu!”. Một bác sĩ tại Bệnh viện 121, TP Cần Thơ cũng phản ảnh trong lúc đang xem Đài truyền hình Vĩnh Long thì kênh này tự động chuyển sang kênh khác.

Nhiều khách hàng đã thắc mắc với Công ty cổ phần truyền hình cáp Tây Đô và được công ty này đưa ra một bản thông báo giải thích là đã chuyển giao toàn bộ quyền quản lý khách hàng và quản lý nội dung, hạ tầng mạng cáp, quản lý thuê bao và chăm sóc khách hàng cho SCTV từ ngày 1-10-2010! Và đương nhiên, việc sắp xếp kênh bây giờ thuộc quyền SCTV.

Được biết, từ năm 2004 khi chia tách tỉnh Cần Thơ, lãnh đạo địa phương chỉ đạo cần có một mạng truyền hình cáp. Trên cơ sở đó Đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) Cần Thơ đã liên kết với Công ty cổ phần truyền hình cáp Tây Đô thành lập mạng truyền hình cáp đầu tiên tại Cần Thơ (CTD). Theo đó, đơn vị được cấp phép hoạt động là Đài PT-TH Cần Thơ, cơ quan chủ quản là UBND TP Cần Thơ, tên gọi là mạng truyền hình cáp Cần Thơ và người chịu trách nhiệm quản lý nội dung chương trình là ông Quách Thanh Triệu - phó giám đốc Đài PT-TH Cần Thơ.

Sau khi xảy ra sự việc trên, chúng tôi đã tìm gặp ông Quách Thanh Triệu. Ông cho biết toàn bộ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng mạng... đều do phía đối tác lo, đài chỉ đứng tư cách pháp nhân xin phép, chịu trách nhiệm nội dung. Đài PT-TH được hưởng 5% trên số thu của các khách hàng, phần còn lại phía Công ty cáp Tây Đô chịu trách nhiệm nộp thuế và khấu hao trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.

“Cách đây vài ngày phía Công ty cáp Tây Đô bất ngờ gửi thông báo cho chúng tôi nói rõ kể từ ngày 1-10, sẽ chuyển toàn bộ cơ sở hạ tầng cho Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist thuộc Đài truyền hình VN” - ông Triệu nói.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Hoàng - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Cần Thơ - cho biết sở này chưa biết gì về việc trên. Ông khẳng định hai đơn vị này chưa có bất kỳ văn bản hay báo cáo gì về việc thay đổi vừa qua và gọi việc làm đó là “liều lĩnh và bất chấp”.

Ông Võ Thành Long, phụ trách chi nhánh SCTV tại Cần Thơ, thừa nhận từ ngày 1-10 đã đưa thêm nhiều kênh khác lên mạng, thay đổi kênh và hình hiệu; đồng thời thông báo việc thay đổi này trên kênh HTV7 từ ngày 16-9 đến 1-10. Ông Long cũng nói việc phát các kênh này tại Cần Thơ là được phép, tuy nhiên ông không cho biết được phép theo văn bản nào, quyết định nào.

Xung quanh câu chuyện này, ông Tô Minh Giới, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết sẽ cho kiểm tra lại ngay vụ việc này và trả lời dư luận trong thời gian sớm nhất.

CHÍ QUỐC - PHƯƠNG NGUYÊN

Từ khóa:

truyền hình

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Tiến sĩ Mộc Quế - kỷ lục gia Thế Giới đào tạo chương trình “30 kỹ năng Làm Người- Làm Việc – Làm Giàu” cho thực tập sinh Khóa 67,68

Tiến sĩ Mộc Quế - kỷ lục gia Thế Giới hướng dẫn các thực tập sinh “30 kỹ năng Làm Người – Làm Việc – Làm Giàu”.Tiến sĩ Mộc Quế - kỷ lục gia Thế Giới đang hướng dẫn các thực tập sinh Khóa 67Tiến sĩ Mộc Quế - kỷ lục gia Thế Giới đang hướng dẫn các thực tập sinh Khóa 68

Bộ đếm

  • Phút online: 1.460
  • Tổng lượt truy cập: 20.685.922

Quảng cáo

Liên kết website