Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Con dao hai lưỡi mang tên trái phiếu chuyển đổi

Đăng lúc: Thứ hai - 15/11/2010 00:29 - Người đăng bài viết: admin
Các doanh nghiệp ngành xây dựng với nhu cầu vốn lớn, thường tìm cách huy động nguồn vốn rẻ bằng trái phiếu chuyển đổi. Ảnh: Lê Quang Nhật

Các doanh nghiệp ngành xây dựng với nhu cầu vốn lớn, thường tìm cách huy động nguồn vốn rẻ bằng trái phiếu chuyển đổi. Ảnh: Lê Quang Nhật

SGTT.VN - Trái phiếu chuyển đổi từng được xem là món đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư, và công cụ hữu hiệu đối với doanh nghiệp khi cần huy động vốn rẻ. Thế nhưng năm nay, cùng với sự sụt giá cổ phiếu, nhiều trường hợp trái phiếu chuyển đổi đã trở thành trái đắng đối với cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu trong một thời gian nhất định, thường là từ 1 – 3 năm, đòi hỏi doanh nghiệp phát hành, cũng như nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn.

Con dao hai lưỡi

Do vậy, những người thích mua trái phiếu chuyển đổi và nắm giữ lâu dài thường là các cổ đông chiến lược, các tổ chức tài chính. Đầu tháng 9 tập đoàn Temasek (Singapore) mua 1.100 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) dù lãi suất 0%, nhưng bù lại, Temasek có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu sau một năm với giá chuyển đổi là 67.375đ/cổ phiếu, hiện giá thị trường đang xoay quanh 74.000đ. Trước đó, Vincom đã phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế, 12 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã mua trọn 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của SSI, CII đã thông qua việc bán 20 – 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi thời hạn năm năm cho cổ đông nước ngoài…

Hấp dẫn với các tổ chức, nhưng trái phiếu chuyển đổi không phù hợp với những nhà đầu tư thích lướt sóng ngắn. Theo Th.S Lê Đạt Chí, nếu mua trái phiếu lúc giá cổ phiếu ở mức đáy, được chiết khấu 15 – 20%, thì khá hấp dẫn khi “lướt sóng” trái phiếu. Ngược lại, vì rủi ro luôn gắn với biến động giá cổ phiếu, nên khi thị trường đi xuống, giá chiết khấu trái phiếu chuyển đổi cũng rớt theo. Nếu mua lúc thị trường đang sốt, giá cổ phiếu cao ngất ngưởng, nhà đầu tư có thể ôm “trái đắng” khi thị trường xuống mạnh.

Bà Hoàng Thị Hoa, trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, trong ngắn hạn thị giá cổ phiếu đang rớt, tính thanh khoản giảm hẳn khiến nhiều trái phiếu chuyển đổi rơi vào tình trạng ế ẩm.

Thí dụ như trái phiếu chuyển đổi của SSI có giá chuyển đổi là 36.000đ/cp, mà thị giá cổ phiếu đang ở mức 26.000đ/cp. Trái phiếu có kỳ hạn một năm, được phát hành từ tháng tư năm nay, nghĩa là những ai nắm giữ dài hạn vẫn kỳ vọng biến động giá vào tháng 4 sang năm. Song những nhà đầu tư muốn chuyển nhượng hiện nay cầm chắc phần thua lỗ trong giai đoạn này. Với mệnh giá 1 triệu đồng, nhưng quy đổi theo giá thị trường trái phiếu này được chiết khấu dưới mệnh giá ở mức khoảng 739.000đ.

Còn trái phiếu chuyển đổi của công ty cổ phần Tasco (HUT), thị giá giờ còn 23.500đ, thấp hơn giá chuyển đổi là 28.860đ.

“Bảo hiểm” giá

Chính vì thị giá cổ phiếu sụt giảm, đến cuối tuần qua ở mức 32.800đ nên mới đây công ty Nhà Thủ Đức (TDH), đang phát hành 6 triệu trái phiếu chuyển đổi (được chia ra làm hai đợt chuyển đổi), phải nâng giá trái phiếu cao hơn để hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đó, khi giá chuyển đợt 1 vừa được xác định bằng 60% giá thị trường, thì giá chuyển đổi đợt 2 được đảm bảo không thấp hơn 130% giá chuyển đổi của trái phiếu đợt 1 và không thấp hơn 36.000 đồng/cổ phiếu.

 

Dù có lãi suất cố định và khá thấp so với các loại trái phiếu khác, song trái phiếu chuyển đổi hứa hẹn đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn khi chuyển đổi thành cổ phiếu với mức giá chuyển đổi lấy cổ phiếu thường bằng 60 – 80% giá thị trường.

Nhiều trường hợp, nếu cân nhắc không kỹ, doanh nghiệp không dễ phát hành do mâu thuẫn lợi ích. Như công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) đã hoãn phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông riêng lẻ và cán bộ cao cấp. Lý do công ty đưa ra là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, nhưng nguyên nhân khác các nhà đầu tư đề cập nhiều là do phản đối của các cổ đông khác khi họ cho rằng bị ảnh hưởng quyền lợi.

Tương tự, tháng 7 qua tổng công ty cổ phần khoáng sản Na Rì (KSS) cũng gặp sự phản đối của cổ đông hiện hữu, buộc ban lãnh đạo phải huỷ phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Trước đây, nhiều nhà đầu tư đã bán non trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank, SSI… khi tốc độ tăng vốn ào ạt của các công ty này khiến giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm mạnh. Hai – ba năm trở lại đây, nhà đầu tư trái phiếu chuyển đổi đã được “bảo hiểm” bởi điều khoản chống pha loãng giá. Theo đó, công ty cam kết không phát hành tăng vốn, và nếu có, giá chuyển đổi sẽ được điều chỉnh tương ứng với tỷ lệ điều chỉnh giá tham chiếu cổ phiếu.

Trong tình huống đến kỳ đáo hạn, giá thị trường xuống thấp, trái chủ có thể không thực hiện quyền chuyển đổi và sẽ nhận lại tiền mặt cộng với lãi suất. Như Temasek, nếu thấy bất lợi, sẽ không chuyển đổi, và sẽ lấy lại vốn lẫn lãi là 3%, hay ở TDH lãi suất cố định trái phiếu là 7%/năm, SSI là 4%/năm.

Dù vậy, khi thị trường vẫn trong xu hướng giảm, ở nhiều công ty, giá cổ phiếu đã tụt mạnh khi có tin phát hành trái phiếu chuyển đổi, do các nhà đầu tư ngại tốn thêm tiền thực hiện quyền mua, và bán ra cổ phiếu.

Hồng Sương

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Các quốc gia nghèo vì đâu ?

Từ một cá nhân cho tới một tổ chức, một cộng đồng và lớn hơn là một dân tộc đều có mong ước và khát vọng trở nên giàu có.http://http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/cac-quoc-gia-ngheo-vi-dau-2014020118021429320ca33.chn

Bộ đếm

  • Phút online: 1.631
  • Tổng lượt truy cập: 24.597.805

Quảng cáo

Liên kết website