Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Nghệ An: Khoáng sản - nguồn tài nguyên cần khai thác có kế hoạch

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/11/2010 00:27 - Người đăng bài viết: admin
Nghệ An: Khoáng sản - nguồn tài nguyên cần khai thác có kế hoạch

Nghệ An: Khoáng sản - nguồn tài nguyên cần khai thác có kế hoạch

Cần phải khẳng định rằng, so với cả nước, tỉnh Nghệ An có một nguồn tài nguyên khoáng sản hết sức dồi dào và phong phú.

Qua khảo sát cho thấy toàn tỉnh hiện có 113 vùng mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, 171 điểm quặng và đá vôi được phân bổ khá đồng đều ở các địa phương trong tỉnh. Một số kim loại và đá quý có trữ lượng lớn như: vàng sa khoáng ở lưu vực sông Cả, sông Hiếu với trữ lượng trên 20 tấn; Các loại đá qúy như Hồng ngọc, Bích ngọc...ở các huyện Quỳ Châu, Qùy Hợp. Đặc biệt Thiếc sa khoáng ở Nghệ An được đánh giá là lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng khoảng 42.000 tấn (chiếm 30% trữ lượng Thiếc cả nước) tập trung ở các huyện Qùy Hợp, Quế Phong; Sắt với trữ lượng 1,8 triệu tấn ở Nghi Lộc, Thanh Chương. Ngoài ra một số khoáng sản khác như Mangan với trữ lượng khoảng hơn 3 triệu tấn, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc. Titani tồn tại dưới dạng Inmenit, với tổng trữ lượng khoảng 22.600 tấn, tập trung phần lớn ở Cửa Hội. Bô xít có trữ lượng khoảng gần 3 triệu tấn, tập trung ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghĩa Đàn. Photphorit có trữ lượng khoảng 130.000 tấn, ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương... Vào thập kỷ 70 của Thế kỷ trước, các nhà địa chất đã phát hiện ở khu vực Bản Khạng ( Qùy Hợp ) có mỏ nước khoáng thuộc loại Cacbonic là loại được thị trường tiêu dùng ưa chuộng nhất, có trữ lượng 0,5 lít/giây. Nước khoáng còn được phát hiện ở một số huyện như Nghĩa Đàn, Đô Lương...
Nghệ An còn có thế mạnh về đá xây dựng với trữ lượng rất lớn, nhiều loại đá có giá trị kinh tế cao như đá trắng Quỳ Hợp trữ lượng 100m3; đá bazan có trữ lượng 260 triệu m3 ở Qùy Hợp, Nghĩa Đàn; đá đen trữ lượng 54 triệu m3 ở Con Cuông, Đô Lương. Đặc biệt có nguồn đá vôi trên 1 tỷ m3 ở các khu vực Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Con Cuông. Nhiều nhất là đá xây dựng trên 1 tỷ m3 ở Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn...Đó là chưa kể hàng loạt các loại khoáng sản khác như Sét để sản xuất gạch ngói, Sét xi măng 300 triệu tấn, than mỡ 40 ngàn tấn, Than bùn 10 triệu tấn...Trong những năm qua, việc khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh và các ban ngành chức năng chú ý đầu tư và dần đưa vào quản lý một cách tích cực hơn. Do vậy sản lượng một số khoáng sản đã được khai thác năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2000 tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh mới đạt 5,66%, thì nay đã đạt gần 7%. Theo đó, công suất khai thác khoáng sản cũng không ngừng tăng, như chế biến đá trắng đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Trong đó riêng bột đá trắng mịn và siêu mịn đạt 160.000 tấn/năm. Tổng công suất luyện thiếc đạt 2.500 tấn/năm...
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực, cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần phải được quan tâm. Chẳng hạn do chính quyền một số địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý, thậm chí chính quyền một số xã chưa nắm vững Luật Khoáng sản, nên để xảy ra tình trạng khoáng sản bị khai thác bừa bãi nhiều năm nhưng không được chấn chỉnh, (như tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Cả, tình trạng khai thác Thiếc ở Qùy Hợp, khai thác đá qúy ở Quỳ Châu, khai thác đá xây dựng ở Quỳnh Lưu...) Bên cạnh đó, do lợi nhuận nên một số đơn vị tuy không đủ năng lực tài chính, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu, không đồng bộ nhưng vẫn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên. Đặc biệt, do việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy và không tránh khỏi tình trạng tiêu cực, nên việc khai thác khoáng sản trái phép đã và đang diễn ra ở hầu hết các nơi trong tỉnh. Mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh mỗi năm đã xử phạt hành chính hàng tỷ đồng đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản, nhưng do thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương, nên việc xử lý của tỉnh cũng như "đá ném ao bèo". Ngoài việc gây nên sự lãng phí, thất thoát tài nguyên, việc khai thác khoáng sản ồ ạt, bừa bãi còn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ thống nước mặt, nước ngầm: suy thoái đất nông nghiệp, phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái. Đó là chưa nói đến việc chế biến khoáng sản không đúng quy trình còn gây nên tác hại cho lâu dài.
Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ khoáng sản trong nước, trong khu vực và trên thế giới ngày càng tăng, việc khai thác, chế biến khoáng sản đã và đang được các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tập trung để nâng cao sản lượng. Hiện đã có thêm 167 điểm mỏ được đưa vào khai thác. Trong đó có 88 điểm khai thác đá xây dựng, 2 điểm khai thác Vàng sa khoáng, 5 điểm khai thác Thiếc, 3 điểm khai thác Mangan, 2 điểm khai thác Chì, 20 điểm khai thác Đá trắng...Để làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, thiết nghĩ UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng làm tốt hơn nữa công tác quản lý. Ngoài việc khai thác khoáng sản hiệu quả, cần phải gìn giữ nguồn tài nguyên vô giá cho thế hệ mai sau.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Cùng "Thương hiệu Vàng" Tập đoàn Y dược Bảo Thanh Đường

http://www.baothanhduong.com.vn/NewsDetail.aspx?id=167

Bộ đếm

  • Phút online: 1.506
  • Tổng lượt truy cập: 19.978.859

Quảng cáo

Liên kết website