Nhiều ý kiến cho rằng cờ đang ở trong tay các nước đang phát triển. Ảnh: TL
Tại hội nghị CEO toàn cầu do Forbes, tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới tổ chức tại Sydney cuối tháng 9 vừa rồi, không khó để nhận thấy những dấu hiệu rõ rệt của việc trọng tâm phát triển của kinh tế thế giới đang thuộc về các nước đang phát triển. Khoảng 400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới tham dự hội nghị này, đông đảo trong số đó là những doanh nghiệp hàng đầu từ các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Người giàu nhất thế giới có mặt tại đây là Carlos Slim đến từ Mexico, chứ không phải Mỹ.
Động lực tiêu thụ mới
Trong khi các CEO của những quỹ đầu tư hàng đầu từ Mỹ bàn bạc về chuyện liệu có suy thoái kép không, kinh tế sẽ phục hồi như thế nào, thì trong câu chuyện của các doanh nghiệp từ Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Úc… gần như không có chỗ cho cụm từ “suy thoái”.
Trung Quốc tiếp tục là câu chuyện hấp dẫn nhất đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Kinh tế nước này tăng trưởng trên 10% trong nửa đầu năm này và được dự báo là tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm. Theo dự báo của ngân hàng Phát triền châu Á (ADB), GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 9,6% cả năm 2010. Tại hội nghị CEO toàn cầu, đại diện những công ty lớn đến từ Trung Quốc đều tỏ ra lạc quan, thậm chí bác bỏ những lo ngại cho rằng có quá nhiều dấu hiệu của sự phát triển không bền vững. Ông Vincent Mo, chủ tịch công ty SouFun Holdings, công ty điều hành website quảng cáo bất động sản lớn nhất nước này, cho rằng khả năng “vỡ bong bóng” của thị trường bất động sản nước này là rất thấp, và cho rằng giá nhà ở các thành phố lớn sẽ ổn định hoặc tiếp tục tăng cùng với đà phát triển kinh tế trong vòng mười năm tới. Ông Mo, cũng như một số doanh nghiệp Trung Quốc khác, đưa sức tăng trưởng mạnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc ra minh chứng rằng sức tiêu thụ của lớp người tiêu dùng này sẽ giúp cho nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển và giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu khác.
Châu Á trong những năm qua trở thành trung tâm tích tụ của cải của thế giới, với việc số người giàu có tăng mạnh cùng với tài sản của những người giàu nhất ở các nước này liên tục tăng, ngay cả trong giai đoạn suy thoái của kinh tế thế giới. Năm 2009, số người cực giàu ở châu Á tăng 37%, gần gấp đôi mức tăng toàn cầu. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên sức phát triển của các nền kinh tế đang lên lại nằm chủ yếu ở việc một bộ phận đáng kể những người nghèo ở các nước này đang gia nhập vào hàng ngũ những người có thu nhập trung lưu. Ở các nền kinh tế đang lên tại châu Á cũng như Mỹ Latinh, sự trỗi dậy của lớp người trung lưu mới tạo ra sức tiêu thụ nội địa cho các loại hàng hoá, dịch vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng… Carlos Slim, tỉ phú Mexico với tài sản chính đến từ các công ty viễn thông trong một thị trường đông dân, cho rằng các nền kinh tế Mỹ Latinh sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì có một số lượng lớn vài chục triệu người đang thoát ra khỏi nghèo khó, bắt đầu có thể tiêu thụ và vì thế tạo ra những nhu cầu tiêu dùng mới. Ông nhìn thấy tiềm năng to lớn trong các lĩnh vực viễn thông, tiêu dùng, giải trí… phục vụ cho những lớp người này.
Năm 2009, số người cực giàu ở châu Á tăng 37%, gần gấp đôi mức tăng toàn cầu. |
Điểm tựa mới?
Trong số các nước phát triển, Úc nằm trong số ít tránh được tình trạng kinh tế trì trệ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát ở mức vừa phải, và GDP có thể tăng trưởng trên 4% trong năm này. Nhưng tăng trưởng của kinh tế Úc đang dựa phần lớn vào tăng trưởng của Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế này. Nước Úc với trữ lượng khoáng sản lớn, đặc biệt là các loại quặng sắt, than đá trở thành nguồn cung cấp năng lượng cho cỗ máy kinh tế đang sôi sục ở bên kia bờ đại dương. Nói chuyện tại hội nghị CEO toàn cầu của Forbes, bà Kristina Keneally, thủ hiến bang New South Wales (Úc), đã không kiệm lời khi nhắc đi nhắc lại rằng, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của bang này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang loay hoay với hướng đi và lo ngại rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ sa vào cái bẫy suy thoái kéo dài giống như điều đã xảy ra với nền kinh tế Nhật. Ken Fisher, một tỉ phú điều hành quỹ đầu tư 35 tỉ USD, mặc dù tỏ ra lạc quan khi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ vực dậy trở lại y như thập kỷ 90, cũng thừa nhận rằng “các nước đang phát triển, mặc dù thiếu tổ chức, nhưng gộp lại về kinh tế thì lớn hơn Mỹ, đang lèo lái kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ, dù vẫn rất quan trọng, đã lùi lại vị trí thứ hai”.
Nguồn tin: Lan Anh(SGTT)
Sáng ngày 21/9/2016, Hội Nông dân huyện Bàu Bàng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương đã tổ chức hội thảo “Nông dân Bình Dương với công nghệ cao gắn với sinh hoạt ban vận động thành lập câu lạc bộ các trang trại cây có múi”. Đến dự, có ông Lê Minh Sơn – Trưởng Ban Kinh tế -...
Ý kiến bạn đọc