Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Thú chơi cổ ngoạn

Đăng lúc: Thứ hai - 15/11/2010 01:07 - Người đăng bài viết: admin
Thú chơi cổ ngoạn

Thú chơi cổ ngoạn

Hơn 800 cổ vật quý gồm đồ gỗ, gốm, sứ cổ, tranh... của các nhà sưu tập người Hà Nội đang được trưng bày tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng.

Điều đặc biệt là triển lãm không trưng bày cổ vật một cách thông thường mà còn giới thiệu tới người xem về thú chơi cổ ngoạn tinh tế, sang trọng của người Hà Nội xưa.

 


Phòng khách của cụ Phùng Nguyên thể hiện thú chơi cổ ngoạn (chụp năm 1939) - Ảnh: Ngọc Thắng

Thú chơi cổ ngoạn là cái thú sưu tầm, sắp đặt, chiêm ngưỡng các cổ vật, mà điều đó lại gắn liền đến việc bày biện các cổ vật. Vậy, người Hà Nội xưa chơi như thế nào? Tuy chưa thể hiện được tất cả nhưng không gian triển lãm đã cố gắng tái hiện phần nào khung cảnh căn phòng trưng bày cổ vật trong gia đình Hà Nội xưa.

“Bác đã cưới được món đó về chưa?”

Bức ảnh chụp phòng khách gia đình cụ Phúc Nguyên (nhà chơi cổ vật có tiếng của Hà Nội sống tại Hàng Gai) vào năm 1939 là hình ảnh sống động minh họa cho thú chơi cổ ngoạn vô cùng tinh tế đó.

Nhà giáo Ngô Mạnh Cường năm nay đã 60 tuổi, một trong số những người hiếm hoi còn giữ được thú chơi này, nói: “Nhìn cách cụ Phước Nguyên bày đồ cổ rất tinh tế. Ở giữa nhà treo một bức tranh to, bàn phía dưới bày một vài món đồ cổ, trong đó có lọ hoa, chiếc giá gương. Bộ ghế vách và trường kỷ bày hai bên, tựa lưng vào tường tạo cảm giác vững chắc. Ở giữa là bộ đẩu nơi chủ nhân thường ngồi khi tiếp khách”. Ông Cường giải thích thêm: “Các cụ ngày xưa có nhiều cách bày, chẳng hạn như theo kiểu cao-thấp, ngang-dọc, theo lối âm dương, ngũ hành, có cái bày dưới đất, có cái treo trên tường”. Sự cầu kỳ trong cách chơi còn thể hiện ở cách bày theo các mùa xuân-hạ-thu-đông. “Chẳng hạn như mùa hè thì các cụ bày đồ có gam màu lạnh, mùa đông bày các đồ có gam màu nóng. Ngay cả tranh cũng vậy” - ông Cường nói. Theo ông, ngoài câu đối, đồ thờ, người xưa rất ít khi bày cổ vật đôi.

Ông kể: “Trước kia ông nội tôi là người chơi đồ cổ rất sành ở Hà Nội. Khi còn là cậu bé mười lăm, mười sáu tuổi, tôi thường nghe lỏm những buổi trò chuyện của ông với những người bạn tới thưởng ngoạn đồ cổ. Họ cùng uống trà, ngắm, đàm đạo về những món đồ cổ với nhau”. Không có sách nào viết về việc bày đồ cổ, nên người Hà Nội xưa tự chơi, tự học theo cách bày tinh túy, sang trọng từ trong cung vua, rồi truyền miệng cho nhau.

“Căn phòng bày đồ cổ của ông tôi trước đây không phải ai cũng vào được. Đến việc lau chùi, dọn dẹp cũng đích thân do ông làm. Khi lấy được món đồ nào người ta thường dùng từ “cưới” (như hỏi: bác đã cưới được món đó về chưa?) chứ không dùng từ “mua” như bây giờ. Có được món đồ cũng quý giá như cưới được một cô vợ về nhà. Thú chơi ngày xưa sang trọng đến vậy đấy”, ông Cường giải thích.

 


Chiếc chum gốm sứ Chu Đậu đời Trần - Áo bào của vị quan triều Nguyễn - Đầu rồng men xanh lục thời Lý - Ảnh: Ngọc Thắng

Đầu rồng, áo vua, chén ngọc...

Ông Cường mang đến triển lãm các cổ vật bằng ngọc như cây Như Ý, bộ tượng Quan Âm - chén ngọc - lọ hoa, bộ văn phong tứ bảo gồm bút, rửa bút, nghiên, gác bút...

Tại đây còn trưng bày nhiều cổ vật quý, chưa từng được giới thiệu với công chúng. Nhà sưu tập Nguyễn Trường, người có ý tưởng thực hiện triển lãm, dẫn người viết đi xem nhiều bộ sưu tập độc đáo. Chiếc áo bào của vị quan triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn không chỉ giá trị ở ý nghĩa lịch sử mà còn ở giá trị mỹ thuật. Hình họa tiết trang trí, trong đó có hình rồng năm móng được thêu vô cùng tinh xảo, có chi tiết được thêu bằng chỉ làm bằng vàng...

Nhiều bộ sưu tập của những nhà sưu tập danh tiếng trước đây của Hà Nội (như cụ Nhật ở Hàng Thiếc, cụ Cả Liên ở Hàng Trống...) tặng lại cho các nhà sưu tập hiện nay cũng được trưng bày tại triển lãm. Chiếc đầu rồng thời Lý bằng men xanh lục do gia đình cụ Cả Liên tặng cho nhà sưu tập Phan Đình Nhân, được đánh giá là cổ vật vô cùng quý ở độ tinh xảo, lớp men tráng mỏng và kích thước đồ sộ.

Một lượng lớn các hiện vật trưng bày là cổ vật của VN nhưng được các nhà sưu tập mua ở nước ngoài. Chẳng hạn như chiếc đĩa men lam còn nguyên vẹn có niên đại từ thời Trần, chiếc chum Trần làm từ gốm Chu Đậu quý giá được nhà sưu tầm Vũ Văn Anh mua tại Thái Lan, Indonesia...

Minh Ngọc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Thành phố Cao Lãnh: phát triển kinh tế dựa vào sản phẩm chủ lực

Thông tin này vừa được lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh công bố tại buổi giao lưu với phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh vào tối 23/7, tại Khách sạn Hòa...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.486
  • Tổng lượt truy cập: 20.854.503

Quảng cáo

Liên kết website