Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Sự thật và nỗi cay đắng

Đăng lúc: Thứ ba - 09/11/2010 22:33 - Người đăng bài viết: admin
Những năm qua, y học Việt Nam nói chung và chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều bệnh viện ở TPHCM và cả nước đã thực hiện được những phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật khó như ghép gan, thận, tủy… phẫu thuật tim hở, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật u bướu, nội soi… không thua các nước phát triển có nền y học tiên tiến. Tuy nhiên bên cạnh những vinh quang, chuyện bác sĩ thiếu trách nhiệm đã trở thành một đề tài nóng từ nhiều năm qua.

Bi kịch từ ngón tay cụt 

Những ngày gần đây, dư luận râm ran về vụ một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tháo cụt ngón tay bệnh nhân trong quá trình điều trị vì không được người nhà bệnh nhân… bồi dưỡng.

Lần theo đơn kiện của gia đình bệnh nhân, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy và được biết, rạng sáng 10-6-2010, bệnh nhân N.L.M. bị tai nạn giao thông được chuyển vào BV Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Riêng ở tay trái vết thương gần đứt lìa tại vị trí khớp liên đốt liền, chỉ còn dính cầu da khoảng 1mm.

Nếu cố định bằng đinh Kirschner và nối vi phẫu thì nguy cơ dẫn tới hoại tử và nhiễm trùng sau phẫu thuật rất cao. Do đó, bác sĩ phụ trách ca này đã hội ý thống nhất việc đóng mỏm cụt ngón V tay trái cho bệnh nhân M. Kết quả điều trị ngón tay và các vết thương khác đều ổn định cho đến ngày bệnh nhân ra viện.

Tuy nhiên, vài ngày sau, bác sĩ phụ trách việc đóng mỏm cụt ngón V cho bệnh nhân M. bỗng tá hỏa vì nhận được đơn kiện từ gia đình bệnh nhân. Trong đơn kiện, gia đình bệnh nhân cho rằng dù họ ký cam kết phẫu thuật, cấp cứu nhưng không nghe sẽ tháo khớp đốt ngón tay nên yêu cầu bệnh viện và bác sĩ phải nối lại ngón tay cho M.

Chưa biết phải bồi thường bằng cách nào thì bác sĩ phải đối diện với thông tin gia đình bệnh nhân suy diễn: Do không biết điều với bác sĩ và không đăng ký điều trị dịch vụ nên bác sĩ không nhiệt tình trong khi điều trị.

“Vì nghĩ rằng thân nhân người bệnh đã được giải thích kỹ tôi đã không tìm gặp thân nhân người bệnh để trao đổi thông tin cụ thể khi thực hiện phẫu thuật này. Việc tiêu cực hay vòi vĩnh là không hề có”. Bác sĩ này nói với cặp mắt đỏ hoe.

Trước sự đã rồi, những ngày qua, Ban Giám đốc, Hội đồng khoa học BV Chợ Rẫy, ê-kíp trực và bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân N.L.M. phải tổ chức nhiều cuộc họp kiểm thảo, đánh giá vụ việc vừa tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ cùng với gia đình bệnh nhân… nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc.

Bác sĩ ngoại khoa Việt Nam nắm bắt nhiều kỹ thuật tiên tiến và đối diện không ít áp lực trong công việc. Ảnh: MAI HẢI

Chữa mắt sao lại... mổ bụng? 

Vài ngày sau khi bệnh nhân N.T.B. tử vong, tóc bác sĩ C. bạc trắng và rơi vào tình trạng hoảng loạn. Kéo tôi vào góc sâu của quán cà phê như muốn tránh mọi ánh mắt, bác sĩ C. tâm sự “Chẳng còn tâm trí nào mà ăn, ngủ hay làm. Chỉ muốn bỏ việc để về làm ruộng…”. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do có dư luận: bác sĩ mổ bụng bệnh nhân lấy nội tạng… đem bán.

Sau một lần bị tai nạn giao thông, mắt bà N.T.B. bị đỏ và giảm thị lực nên tới Bệnh viện ĐHYD TPHCM khám và điều trị. Tại đây các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân B. bị “dò động mạch cảnh xoang hang”.

Sau khi được tư vấn kỹ về mọi khả năng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện điều trị, bệnh nhân B. được các bác sĩ dùng thủ thuật đặt bóng bít lỗ dò. Tuy nhiên, một giờ sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân B. có dấu hiệu bị choáng, tụt huyết áp và có dấu hiệu ngưng tim… ngay lập tức các bác sĩ phải hồi sức cấp cứu giúp bệnh nhân B. phục hồi.

Tiếp đó, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp và bụng trướng lên. Nhận thấy bệnh nhân B. bị xuất huyết nội (do gan bị vỡ), các bác sĩ lại phải phẫu thuật mở ổ bụng để cầm máu nhưng cuối cùng bệnh nhân không qua khỏi.

Do vậy, một số người thân của bệnh nhân N.T.B. đã kiện vì sao bà N.T.B. đi chữa mắt lại có vết mổ ở đùi, ở bụng? Nhân cơ hội này nhiều trang web “lá cải” ở hải ngoại đã xuyên tạc thành tin đồn là bác sĩ mổ bụng lấy nội tạng đem bán khiến dư luận hoang mang và bác sĩ C. không khỏi bấn loạn tinh thần, dù Hội đồng khoa học bệnh viện đã giải oan.

Khi bác sĩ “lực bất tòng tâm” 

21 giờ, chợt chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia bác sĩ P. xót xa thông báo: Bé M. “đi” rồi em ạ. Nói xong anh khóc nức nở vì những cố gắng của mình đã đổ sông đổ bể, M. là đứa trẻ bị tim bẩm sinh, gia đình M. có hoàn cảnh rất khó khăn nên không có tiền chữa bệnh.

Trong một lần đi khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa, bác sĩ P. phát hiện ra M. nên vận động gia đình đưa bé M. về TPHCM chữa trị (anh và một số đồng nghiệp tài trợ kinh phí phẫu thuật cho M.). M. nhập viện trong tình trạng thường xuyên bị ngất xỉu, các đầu ngón tay ngón chân đều đã tím tái, tim bị tổn thương thông liên thất, tăng áp lực động mạch vành…

Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ đều đưa ra tiên lượng: Nếu phẫu thuật cơ hội sống cho bé có nhưng rất thấp, còn nếu không phẫu thuật bé có thể tử vong bất cứ lúc nào. Thế nên gia đình cùng thống nhất với bác sĩ P. và các cộng sự đi đến chọn giải pháp “còn nước còn tát”. Dù ca mổ cho M. diễn ra hoàn toàn suôn sẻ, nhưng do bệnh tình của M. quá nặng, thể trạng em quá yếu, nên mổ xong cứ thế M. thiếp đi rồi không bao giờ tỉnh lại…

Dù không phạm sai lầm, dù anh và ê-kíp phẫu thuật không hề có lỗi nhưng khi đối diện với tiếng gào khóc vì nỗi đau mất con của mẹ bé M., bác sĩ P. vẫn thấy như mình là người có lỗi… 

Rủi ro nghề nghiệp lửng lơ trên đầu

Thời gian qua, ngoài các khiếu kiện về sự tắc trách của bác sĩ trong quá trình điều trị khiến bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả như vụ cắt nhầm buồng trứng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, vụ sót gạc trong ổ bụng bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân dân 115 và gần đây nhất là vụ mờ mắt sau phẫu thuật do hóa chất nhiễm khuẩn ở Bệnh viện Mắt TPHCM… còn có những rủi ro nghề nghiệp nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Làm gì để bảo vệ cho bác sĩ trước những nguy cơ tai biến, rủi ro ngoài ý muốn trong y khoa?

  • Những giải pháp...“chữa cháy”

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết: “Dù là bệnh nhân hay bác sĩ cũng không ai muốn rủi ro, khiếu nại, kiện cáo. Tuy nhiên, với đặc thù của của ngành y thì việc khiếu nại tố cáo vẫn xảy ra. Mỗi năm, phòng thụ lý gần 150 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến bác sĩ. Ngoài những lá đơn kiện, có một số trường hợp, bệnh nhân, thân nhân người bệnh có những hành động không hay như chửi mắng bác sĩ, không hợp tác với bác sĩ hoặc lợi dụng những rủi ro nghề nghiệp của bác sĩ để trục lợi”.

Khả năng con người có hạn mà bệnh tật lại vô hạn, nếu rủi ro ngoài ý muốn xảy ra, thầy thuốc biết… dựa vào đâu? Trong khi đó, cam kết mổ chỉ nhằm mục đích ghi nhận rằng bệnh nhân đã được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh chứ không phải là “bảo bối” cho bác sĩ ngoại khoa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có rủi ro trong điều trị, nhiều cơ sở y tế vẫn thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, tùy theo mức mà bệnh viện hay bác sĩ thỏa thuận, thương lượng với bệnh nhân hoặc thân nhân. Chính vì thế, đã có những trường hợp bệnh nhân đưa ra mức đền bù quá sức với bác sĩ như vụ gia đình bệnh nhân T.H.B đòi Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM bồi thường gần 1,4 tỷ đồng, hay mới đây một Việt kiều Mỹ đòi Bệnh viện Mắt TPHCM đền bù 85.000 USD vì cho rằng bị tai biến sau phẫu thuật.

Cũng có những trường hợp bệnh nhân hay thân nhân không hài lòng với mức hỗ trợ mà bác sĩ, bệnh viện đưa ra. Điển hình là vụ tai biến sau phẫu thuật mắt do hóa chất gây ra ở Bệnh viện Mắt TPHCM. Một số bệnh nhân sau khi nhận thấy mức đền bù thiệt hại do tai biến sau phẫu thuật quá thấp (thanh toán ngay là 8 triệu đồng/người, trả chậm là 12 triệu đồng/người) đã khiếu nại Bệnh viện Mắt và công ty dược đòi đền bù thỏa đáng.

Làm gì để bảo vệ cho bác sĩ trước những nguy cơ tai biến, rủi ro ngoài ý muốn trong y khoa?

Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, đều có hiệp hội y đoàn và bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ, do đó, mỗi khi bác sĩ gặp tai nạn nghề nghiệp, những tổ chức này đều xem xét trách nhiệm của bác sĩ để có những phương thức xử lý và hỗ trợ. Ở các quốc gia phát triển, 100% bác sĩ có bảo hiểm nghề nghiệp. Có quốc gia còn quy định, bác sĩ phải có bảo hiểm nghề nghiệp mới được hành nghề. Còn ở nước ta, thời gian qua, đã có một số đơn vị, doanh nghiệp thí điểm bán bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ và cũng đã có bệnh viện mua bảo hiểm cho bác sĩ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều bác sĩ, mức đóng bảo hiểm của một số đơn vị vẫn quá cao so với lương của bác sĩ.

Mặc dù Luật Khám chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào năm 2011 có điều khoản yêu cầu bệnh viện và thầy thuốc mua bảo hiểm nghề nghiệp, tuy nhiên, vấn đề bảo hiểm nghề nghiệp chỉ là một giải pháp chữa cháy chứ không mang tính phòng ngừa.

  • Cần có Luật Hành nghề y

Theo Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, nghề thầy thuốc là một nghề thiêng liêng có nhiệm vụ trị bệnh cứu người, cần đảm bảo y đức trong mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân. Từ trước đến nay, mối quan hệ này luôn luôn tốt đẹp và các bệnh nhân luôn giữ tình cảm tốt đẹp đối với người chăm sóc sức khỏe cho mình.

Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ này có lúc trở nên xấu đi do mặt trái của cơ chế thị trường. Dịch vụ y tế đáng lý chỉ mang tính chất xã hội đã trở thành một loại hàng hóa. Bệnh nhân trả tiền, thầy thuốc cung ứng dịch vụ y tế. Trong lĩnh vực ngoại khoa, đôi lúc quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân - thân nhân bệnh nhân trở nên phức tạp và gay cấn, nhất là khi có biến chứng hay tử vong trong phẫu thuật. Để tránh tình trạng không hay trong mối quan hệ này, tiến sĩ Dương Quang Trung cho rằng, cần có luật về hành nghề y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế tư nhân. Thế giới gọi là nghĩa vụ luật, quy định đối với người thầy thuốc việc gì cho phép làm, việc gì cấm làm. Luật cũng quy định trách nhiệm của bệnh nhân, đồng thời quy định mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. 

 Nhiều ý kiến trong giới y học cũng cho rằng, muốn đảm bảo thi hành nghĩa vụ luật cho tốt, cần có một cơ quan quản lý nghề nghiệp như y sĩ đoàn ở nhiều nước gồm có đại diện của chính quyền, dân cử và bác sĩ, cán bộ y tế. Trong lúc chờ đợi thành lập y sĩ đoàn trên cơ sở nghĩa vụ luật, các cơ quan chức năng (Sở Y tế, Bộ Y tế, UBND các cấp) cần tổ chức những hội đồng khoa học và công nghệ có đầy đủ cán bộ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu và xử lý khi xảy ra biến chứng tử vong trong phẫu thuật cũng như khi có vấn đề kiện tụng từ phía gia đình bệnh nhân.

Trên hết, cần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp cho việc hành nghề y tế trong thể chế kinh tế thị trường, như nghĩa vụ luật, y sĩ đoàn... Mặt khác, cần giáo dục y đức cho người thầy thuốc ngay từ khi còn ở nhà trường, đồng thời vận động bệnh nhân và gia đình có hành xử đúng đắn đối với bác sĩ, tránh việc kiện tụng chỉ vì yếu tố kinh tế.

TIẾN ĐẠT


Nguồn tin: Sài gòn giải phóng
Từ khóa:

phẫu thuật

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Hoàn chỉnh Đề cương chung Kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế TP.Cao Lãnh

Hoàn chỉnh Đề cương chung Kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế TP.Cao Lãnhhttp://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE1876B9/Hoan_chinh_De_cuong_chung_Ke_hoach_chien_luoc_phat_trien_kinh_te_TP_Cao_Lanh_.aspx

Bộ đếm

  • Phút online: 1.466
  • Tổng lượt truy cập: 25.712.768

Quảng cáo

Liên kết website