Quả thật, hiện có rất nhiều chị em đau đầu vì các “trụ cột” lao vào “cày” game đêm ngày, gây ra bao chuyện bi hài…
Hết ngày dài lại đến đêm thâu
Thời khóa biểu một ngày của Hoa (20 tuổi, Long An) có thể tóm gọn như sau: sáng buôn bán ở chợ, 12g đem cơm trưa ra tiệm net cho chồng, chiều làm việc nhà, 18g lại đem cơm chiều ra tiệm net, 23g khuya ra tiệm net kêu chồng về, bữa nào chồng “over night” thì sáng mai quay lại. Và cái thời khóa biểu ấy đã được Hoa thực hiện đều đặn suốt một năm qua, từ ngày cô lấy chồng. Hoa nói: “Nhiều khi em không biết ảnh là chồng hay là… con em nữa! Khoảng năm bảy tháng, ảnh đưa cho em vài triệu, nói là tiền bán cái gì đó trên game. Trong khi, mỗi ngày, tiền giờ, tiền cà phê, thuốc lá cho ảnh chơi game đã gần 100 ngàn. Lúc cha mẹ hai bên mai mối, em thấy ảnh hiền nên ưng, giá em biết trước ảnh mê game như thế này…”.
Ngày lấy chồng cách đây sáu năm, Dung (Cần Thơ) vô cùng hãnh diện với bạn bè vì người chồng giỏi giang của mình. Tú - chồng cô có hai bằng đại học, tốt nghiệp chỉ hai năm đã là giám đốc một công ty, lương tháng gần 20 triệu. Mọi chuyện êm đẹp cho đến khi Tú bắt đầu chơi một trò game bang hội. Vốn có tài lãnh đạo, lại chịu bỏ tiền đầu tư cho nhân vật trong game nên chỉ trong một thời gian ngắn, Tú đã là “bang chủ” một bang phái lớn. Tới lúc này, Dung - “bang chủ phu nhân” cũng bắt đầu chịu hết xiết khi chồng mình lún chân quá sâu vào “chốn giang hồ” ảo. Cô than thở: “Ngoài thời gian dành cho công việc, toàn bộ thời gian còn lại của ảnh đều dính chặt với chiếc máy tính. Đến cơm ảnh cũng ăn vội vàng để kịp giờ đánh nhau trong game…, hôm nào cũng chơi đến tận 2 - 3g sáng. Hai cái máy vi tính ở nhà hoạt động 24/24 giờ để ảnh “treo máy cày tiền”. Chơi game nhiều nên ảnh lúc nào cũng thiếu ngủ, người ốm hẳn đi, hay cáu gắt. Chưa kể, ảnh còn chi không ít tiền cho game: lúc thì mua cây đao hơn 10 triệu đồng, lúc thì mua cái áo giáp, mua đôi giày mới, lúc thì đãi anh em trong bang đi nhậu offline để “thêm tình đoàn kết”… Em thấy mình chẳng đáng gì so với nhân vật ảo của ảnh trong game…”.
Tưởng chỉ xuất hiện trong các gia đình trẻ, mâu thuẫn do chồng mê game online cũng dần xuất hiện cả trong các gia đình trung niên. Anh P. - một nhà báo gần 50 tuổi nhưng vẫn là “tín đồ” của game online. Không ghiền nặng, nhưng anh P. cũng tốn khá nhiều thời gian và tâm sức cho game. Chị L. - vợ anh, hiệu phó một trường mầm non - ấm ức: “Chẳng hiểu trong đó có cái gì mà lão mê mệt, bỏ bê cả vợ con”…
Tình địch ảo
Nhiều bà vợ đã mở cả một chiến dịch để giành lại chồng mình từ vòng tay của “tình địch ảo”. Và ngược lại, các ông chồng cũng có không ít chiêu thức để đối phó…
Ngọt nhạt khuyên lơn, rồi cằn nhằn, gây gổ để Tú giảm chơi game mãi mà không được, Dung quyết định “vùng lên”, áp dụng biện pháp mạnh với chồng. Cô tuyên bố: “Giữa game và em, anh phải chọn một” và cương quyết cắt mạng internet. Sau vài ngày căng thẳng, cuối cùng Tú cũng chiều ý Dung. Cả tháng sau đó, Dung rất hài lòng với biểu hiện “ngoan ngoãn” của chồng. Một tuần, Tú chỉ dành khoảng một hai bữa tối để đi tiệc tùng, nhậu nhẹt với khách hàng hoặc bạn bè. Dung cứ tưởng Tú đã “rửa tay gác kiếm”. Mãi đến khi được một người bạn tiết lộ sự thật, Dung mới tá hỏa. Hóa ra, Tú không bỏ game online, chỉ dời việc chơi của mình từ nhà ra tiệm net. Tú bao hẳn một máy 24/24 giờ ở tiệm net, thuê một người trông coi giùm nhân vật ảo, trả lương 1,5 triệu/tháng. Buổi sáng, trước khi đi làm, Tú qua tiệm net dặn dò, giao việc cho “phụ tá”. Buổi trưa, Tú đem cơm hộp lại tiệm net, vừa ăn vừa chơi. Những buổi tối mà Tú báo với Dung phải đi tiệc tùng với khách hàng thật ra là Tú đi với bang hội hay tham gia những hoạt động “quan trọng” không thể bỏ qua trong game. Tú lập hẳn một “quỹ đen” để làm “lộ phí hành tẩu giang hồ”. Khi mọi việc vỡ lở, Dung làm dữ thì Tú lạnh lùng trả lời: “Em không thích nên anh phải ra ngoài chơi lén lút. Nếu em còn làm tới nữa thì đường ai nấy đi”.
Chuyện của gia đình anh P. và chị L. thì rất hài hước. Thấy vợ cứ cằn nhằn chuyện mình chơi game, anh P. nảy ra sáng kiến: “Tôi tập cho bà chơi, xem bà có ghiền không”. Thế là anh tạo thêm một nhân vật nữ trong trò game và dụ vợ chơi thử. Tò mò muốn biết tại sao chồng mình mê đến thế, chị L. cũng cặm cụi tập chơi. Nhập vai được vài bữa, chị đâm ghiền thật. Về thăm nhà sau học kỳ du học bên Mỹ, cô con gái độc nhất của hai vợ chồng cứ há hốc mồm khi thấy ba mẹ cắm cúi “luyện level”, đối thoại với nhau như hai đứa bé tuổi teen: “Ông cứu tui, nó đang đồ sát tui!”, “Bà cùi bắp quá!”…
Bài học đắt giá
Chuyện của gia đình Hoa thì hoàn toàn bế tắc. Tới khi có con, chồng cô vẫn chứng nào tật ấy. Một hôm con bệnh nặng, cần chồng chở vào bệnh viện cấp cứu, Hoa ra tiệm net gọi mãi mà chồng vẫn không về. Giọt nước tràn ly, sau đó Hoa ôm con về nhà mẹ đẻ và làm đơn ly hôn. Dù mẹ chồng và chồng có sang năn nỉ nhưng Hoa vẫn khăng khăng không quay lại vì: “Em sợ lắm rồi!”.
Chồng lún vào game là một bi kịch của các gia đình. Nhưng kéo chồng về với thực tại bằng cách nào?
Anh P. lý lẽ: “Game online thực ra chỉ là một loại hình giải trí, tác hại hay không là tùy vào người chơi”. Tất nhiên, game thực chất cũng chỉ là trò chơi. Nếu không ảnh hưởng đến ai, không đỏ đen sát phạt và nướng tiền của như cờ bạc, cũng không ảnh hưởng đến tâm lý và công việc thì nó vô hại. Nhưng mãi chơi trong thế giới ảo không biết đường ra và làm khổ vợ con, thậm chí bị tâm thần vì game thì hậu quả thật khó lường. Cách đây một năm, Tú dồn tiền của cho một hợp đồng làm ăn lớn. Nhưng do mải mê game, anh không tập trung vào đơn hàng. Hợp đồng thất bại, vốn liếng dành dụm bao năm mất hết. Lúc này, Tú mới tỉnh ra và bỏ game. Anh tâm sự: “Tôi đã phung phí quá nhiều tâm sức và tiền bạc vào thế giới ảo mà quên đi đời sống thật…”.
Nguyên Hà
Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới ở Yên Bái:
Ý kiến bạn đọc