Gần như tất cả ý kiến thảo luận tại hội thảo đều đề nghị giữ nguyên Dinh Thượng Thơ và dần làm cho công trình kiến trúc này thêm phát huy giá trị.
Tại hội thảo "Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1" (hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương TP, người dân quen gọi là Dinh Thượng Thơ) ngày 28-9 do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức, có tổng cộng 16 ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Gần như tất cả ý kiến đều thống nhất phải bảo tồn bằng được công trình kiến trúc này, vì Dinh Thượng Thơ mang quá nhiều ý nghĩa.
Những giá trị không thể mất Nói về các giá trị lịch sử của Dinh Thượng Thơ, chuyên gia sử học Trần Hữu Phước Tiến cho hay qua nghiên cứu các bản đồ cổ và sách sử, nền đất Dinh Thượng Thơ là một dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt mới bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn. Từ năm 1864 đến 1888, ngoài việc điều hành toàn Nam Kỳ, Dinh Thượng Thơ còn là cơ quan hành chính điều hành trực tiếp Sài Gòn - Chợ Lớn trong 24 năm. Nói cách khác, Dinh Thượng Thơ là "tòa thị chính", Ủy ban Hành chính đầu tiên của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1945-1955, tòa nhà Dinh Thượng Thơ, có lúc là Dinh Thủ hiến Nam Việt, rồi Tòa Đại biểu Chính phủ tại Việt Nam của Quốc gia Việt Nam - Bảo Đại. Từ tháng 10-1955 đến tháng 4-1975, Dinh Thượng Thơ chuyển thành trụ sở của Bộ Kinh tế. Sau tháng 4-1975 đến nay, tòa nhà này không còn là trụ sở của các cơ quan trung ương mà chuyển về cho UBND TP HCM lần lượt làm trụ sở của nhiều cơ quan nhà nước.
Nên bảo tồn nguyên trạng Dinh Thương Thơ: Giữ quá khứ cho tương lai. Ảnh 1
Nên bảo tồn nguyên trạng Dinh Thương Thơ: Giữ quá khứ cho tương lai. Ảnh 2
Việc quan trọng bây giờ là phải tính toán bảo tồn Dinh Thượng Thơ như thế nào và sử dụng công trình này vào mục đích gì để phát huy giá trị...
Theo ông Phước Tiến, dẫn ra vậy để thấy xuyên qua 3 thế kỷ, tòa nhà Dinh Thượng Thơ chỉ thực hiện chức năng là công thự hành chính ở cấp trung ương cũng như địa phương. Có lẽ hiện giờ, ngoài trụ sở UBND TP và TAND TP, trên địa bàn TP HCM rất hiếm có một công thự nào còn nguyên vẹn như ban đầu mà chức năng sử dụng không thay đổi như tòa nhà Dinh Thượng Thơ. "Bản thân tòa nhà rất xứng đáng được coi là di tích lịch sử, là cột mốc vàng - mở đầu lịch sử quản trị hành chính đô thị cũng như quản trị hành chính quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại" - ông Tiến nói.
TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM) cũng cho rằng Dinh Thượng Thơ là một tòa nhà có giá trị kiến trúc thẩm mỹ, tồn tại lâu năm, qua nhiều giai đoạn lịch sử, là chứng tích của các quá trình lịch sử TP. Hơn nữa, nó thuộc sở hữu công, rất thuận lợi cho việc bảo tồn cũng như phát huy những giá trị mà tòa dinh thự này đang mang giữ.
Đồng quan điểm với chuyên gia sử học Trần Hữu Phước Tiến cũng như TS Võ Kim Cương, 14 chuyên gia và nhà khoa học khác tham gia thảo luận đều cho rằng chuyện giữ nguyên Dinh Thượng Thơ là chuyện không thể nào làm khác. "Việc quan trọng bây giờ không phải là bảo tồn hay không bảo tồn mà là phải tính toán bảo tồn Dinh Thượng Thơ như thế nào và sử dụng công trình này vào mục đích gì để phát huy tất cả giá trị vốn có" - kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp nêu vấn đề.
Đề xuất hàng loạt giải pháp Trả lời cho vấn đề chính mình đặt ra, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp đề xuất chính quyền TP cần tu bổ lại nguyên trạng các chi tiết kiến trúc bên ngoài của công trình và một số khu vực quan trọng bên trong như mái ngói, sảnh, hành lang, cầu thang. Còn các chức năng khác nên thay đổi một phần để phù hợp với công năng mới của nó khi chính quyền đã xác định cụ thể mục đích sử dụng sau bảo tồn. Ngoài ra, các khu vực khác cơi nới, xây chen lấn cần phải tháo dỡ trả lại thông thoáng cho công trình. "Qua khảo sát và kinh nghiệm trong quá trình tu bổ, phục dựng, tôi thấy cần thiết phải khảo sát, đánh giá và gia cố lại móng công trình, đồng thời nhờ vị trí của công trình nằm trên triền dốc Đồng Khởi có thể hạ thêm cốt nền tầng hầm để gia tăng diện tích sử dụng" - kiến trúc sư nêu giải pháp.
Theo ThS Trương Kim Quân (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP HCM), qua đánh giá chung, Dinh Thượng Thơ có giá trị bảo tồn về mặt cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn, đề nghị nên tu bổ phục dựng lại kiến trúc mặt ngoài công trình cho phù hợp. Thay mái ngói 22 viên/m2 bằng mái ngói âm dương. Hạ giải phần cơi nới ban-công tầng 1, phục dựng lại các cửa sổ mặt tiền tầng 1. Riêng phần nội thất bên trong thì nên căn cứ vào công năng của công trình này trong tương lai mà cải tạo sao cho phù hợp.
Chuyên gia sử học Trần Hữu Phước Tiến đề xuất 10 việc cần làm để bảo tồn kịp thời và phát huy giá trị lâu dài của Dinh Thượng Thơ. Đầu tiên là kiểm tra, khảo sát, lập hồ sơ di sản lịch sử - văn hóa - kiến trúc cấp thành phố và cấp quốc gia. Giữ nguyên trạng tòa nhà, không phá bỏ hay xây sửa. Tiến hành khảo sát toàn bộ kiến trúc, tầng hầm. Tiến hành thám sát, đào khảo cổ phần sân liên quan các công thự từ số 59-63 Lý Tự Trọng. Lập phương án trùng tu tòa nhà trong tổng thể các kiến trúc và cảnh quan xưa chung quanh. Lập phương án sử dụng tòa nhà sau khi trùng tu kết hợp đa chức năng. Vận động các chuyên gia, sinh viên sử học, đô thị học, kiến trúc, mỹ thuật, báo chí, kinh doanh, ngoại giao…cùng tham gia đóng góp ý tưởng và phương án tôn tạo và phát huy giá trị tòa nhà.
Cuối cùng, ông Phước Tiến nhấn mạnh TP cần vận động Pháp và các nước EU hỗ trợ kinh nghiệm giữ gìn và phát huy giá trị các dinh thự hành chính xưa; vận động xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực, nhiều nguồn kinh phí để trùng tu và phát huy giá trị tòa nhà.
Lập dự án bảo tồn tổng thể
ThS Nguyễn Chiến Thắng (Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP HCM) cho rằng công trình Dinh Thượng Thơ hiện nằm trong khu quy hoạch bảo tồn của phân khu 2 trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha.
Cụ thể, Dinh Thượng Thơ đặt trong tổng thể các công trình kiến trúc cổ hiện có trong phân khu 2... Do đó, đề nghị các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Thắng, các cấp quản lý liên quan cần tiến hành lập dự án bảo tồn tổng thể công trình Dinh Thượng Thơ với tư cách một "Di tích kiến trúc nghệ thuật" để những kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học cho việc xét lập hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hoặc cấp TP.
Ý kiến bạn đọc