Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Loay hoay với công nghiệp hỗ trợ

Đăng lúc: Thứ ba - 09/11/2010 22:56 - Người đăng bài viết: admin
SGTT.VN - Hiện có gần 1.200 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn hiệu lực, trong đó một nửa trong ngành chế tạo và các doanh nghiệp này có nhu cầu mua nguyên liệu, phụ tùng tại Việt Nam để giảm chi phí nhập khẩu.

Điều họ băn khoăn là điều kiện sản xuất còn yếu kém, năng lực giám sát chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa cao khi sản xuất với số lượng lớn.

 

Nhà máy sản xuất động cơ điện hiệu suất cao Toshiba Asia sử dụng 33% nguyên phụ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Khi được biết từ tháng 12.2010, thị trường Mỹ chỉ chấp nhận cho nhập khẩu động cơ điện hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; rồi EU cũng quy định như vậy và áp dụng từ tháng 6.2011, Trung Quốc áp dụng từ tháng 7.2011, tập đoàn Toshiba đã quyết định đầu tư nhà máy động cơ điện hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng. Họ đã chọn khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) để đầu tư.

Chờ nhà cung cấp Việt Nam

Ngoài nguồn nhân lực, Toshiba tin là có thể sử dụng nguyên liệu, phụ tùng tại chỗ. Ông Norihiro Tsujioka, tổng giám đốc công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia cho biết, 33% nguyên vật liệu, phụ tùng Toshiba Asia sử dụng để sản xuất hiện nay là do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Theo dự tính, Toshiba Asia sẽ tăng tỷ lệ này lên 70% vào năm 2015 khi công suất nhà máy đạt 1,2 triệu động cơ điện hiệu suất cao/năm. Toàn bộ sản phẩm của Toshiba Asia được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Norihiro Tsujioka nói, trong nhiều công đoạn sản xuất của nhà máy Toshiba Asia cần các khuôn kim loại, khuôn nhựa, khuôn đúc gang chính xác. Nhưng trình độ sản xuất khuôn của Việt Nam còn hạn chế. Khi làm mẫu thì tốt nhưng khi số lượng đặt hàng nhiều hơn thì chất lượng sản phẩm không được kiểm soát kỹ. Toshiba Asia sẵn sàng truyền đạt bí quyết kỹ thuật, công nghệ với mong muốn những nguyên liệu, phụ tùng đạt yêu cầu. Đầu tháng 10 tới, Toshiba Asia sẽ tham quan hội chợ triển lãm về công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM để tìm thêm doanh nghiệp Việt Nam có năng lực.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành cơ khí, cao su – nhựa, điện… mà chúng tôi tiếp xúc lại tỏ ra thiếu tự tin, cho rằng chưa thể phát triển công nghiệp hỗ trợ vì công nghệ chưa đủ, nếu đầu tư thì phải biết chắc khả năng tiêu thụ lớn. Ngành cơ khí TP.HCM hiện nay chỉ sản xuất nhiều về hàng kim khí, vật liệu xây dựng, còn sản xuất các linh kiện lắp vào máy móc thiết bị có hàm lượng công nghệ cao thì chưa.

Đã chậm vẫn phải đi từng bước

Theo thống kê, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng luôn dẫn đầu về kim ngạch trong danh mục các nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, tám tháng đầu năm nay là 8,6 tỉ USD, trong tổng số 52,9 tỉ USD nhập khẩu (tỷ lệ trên 16%), đóng góp lớn vào nhập siêu. Giải pháp được cho là quan trọng nhất hiện nay là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Trong lúc đó, bà Lã Thị Lan, chủ tịch hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM nhấn mạnh, Nhà nước chưa có chính sách gì rõ ràng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, mặc dù mỗi năm lượng thiết bị, phụ tùng nhỏ cho máy móc nhập vào Việt Nam rất nhiều.

Có những quan điểm khác nhau về giải quyết tình trạng thiếu công nghiệp phụ trợ: đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài kéo theo những nhà cung cấp nguyên vật liệu cho họ cùng vào Việt Nam; hoặc mời doanh nghiệp nước ngoài liên kết với doanh nghiệp Việt Nam, như vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ cao trong công nghiệp hỗ trợ. Hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chọn Việt Nam là đối tác kinh tế toàn diện trong lĩnh vực này thay vì đầu tư ở Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là mức độ sẵn sàng của các địa phương, các doanh nghiệp trong nước như thế nào.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng là thành viên nhóm khảo sát về công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, nhận định dù muộn nhưng không thể nóng vội. Trong 5 – 10 năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ chủ yếu sản xuất các chi tiết có độ phức tạp không cao. Sau khi kỹ năng của người lao động được nâng cao, doanh nghiệp quản lý được công nghệ, mới có thể thực hiện sản phẩm chính xác, kỹ thuật cao. Sau nhiều lần tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM và Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Nhật Bản, đã chọn được một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành vệ tinh cung cấp linh phụ kiện, tuy chưa nhiều, nhưng đang có tín hiệu tốt. Để tạo được sự tin cậy trong quan hệ hợp tác, trở thành đối tác chiến lược lâu dài với Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng trình độ quản lý, chú ý chất lượng sản phẩm ổn định, kể cả tuân thủ các yêu cầu về môi trường, điều kiện an toàn cho người lao động.

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam thì kiến nghị có cơ chế hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp chế tạo thiết bị cơ khí, chế tạo thiết bị đồng bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài; tăng hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường cho ngành cơ khí.

bài và ảnh Các Ngọc


Nguồn tin: Sài gòn tiếp thị
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Khóa đào tạo "Vai trò Phụ nữ trong Kinh tế Đô thị " do ACVN tổ chức tại Hà Tĩnh

Ngày 25, 26/7/2013 tại TP Hà Tĩnh, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã tổ chức khoá đào tạo “Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế đô thị” dành cho các nữ lãnh đạo, cán bộ của UBND và HĐND cùng các ban ngành đoàn thể của TP Hà Tĩnh; và các chị em lãnh đạo, cán bộ của một số đô thị vùng Bắc Trung...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.593
  • Tổng lượt truy cập: 20.939.756

Quảng cáo

Liên kết website