Trong vòng 2 năm trở lại đây, các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Từ năm 2017 trở về trước, tổng số tiền đầu tư vào các startup Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trên 6 quốc gia Đông Nam Á. Kể từ năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore về tổng giá trị thương vụ đầu tư startup.
Trong 18 tháng gần nhất, một làn sóng các startup Việt Nam đã nhận được những khoản đầu tư lớn trị giá hàng chục triệu USD. Đến nay, số startup Việt Nam với định giá trên 100 triệu USD được ước tính khoảng 15 công ty. Con số này là 5 tại Thái Lan và 6 ở Malaysia.
Một số startup Việt Nam trong thời gian gần đây đã đạt mức định giá trên 500 triệu USD và được kỳ vọng sẽ tiếp bước trở thành những công ty kỳ lân công nghệ/unicorns (startup có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo, góp phần nâng cao vị thế của startup Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong nửa đầu năm 2019, nguồn vốn trong và ngoài nước được rót vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, tổng số tiền đầu tư trong 6 tháng đầu năm vào startup là 264 triệu USD và con số này được ước tính sẽ đạt 800 triệu USD đến hết năm 2019, gần gấp đôi so với năm 2018.
Số thương vụ trong nửa đầu năm đã là 56, vượt qua tổng số 53 thương vụ của cả năm 2018. Trong đó, giai đoạn trước vòng series A (pre-A) chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ với số thương vụ tăng gấp đôi so với năm 2017.
Với nguồn vốn đầu tư dồi dào nhất trong 10 năm trở lại đây, có thể kỳ vọng startup Việt sẽ phát triển vượt bậc, đem lại nhiều giá trị cho người dùng tại Việt Nam và có tiềm năng phát triển ra thị trường toàn cầu.
Tinh thần khởi nghiệp luôn bùng cháy
Để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đạt được những con số ấn tượng như trên, không thể không kể đến vai trò của các nhà sáng lập (founders). Không quá khi nói rằng, những nhà sáng lập chính là linh hồn của công ty - người gây dựng startup từ những ngày đầu tiên, nuôi dưỡng nó bằng tinh thần khởi nghiệp và tiếp tục truyền lại ngọn lửa ấy cho thế hệ kế nhiệm.
Kể từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã chứng kiến 3 thế hệ founders với những tư tưởng và hướng đi khác biệt. Mặc dù có những nét khác nhau, cả 3 thế hệ này đều là những người luôn tìm kiếm giá trị mới, thách thức những khuôn mẫu cũ và không bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Thế hệ đầu tiên bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2000-2006. Ở giai đoạn này, khởi nghiệp công nghệ vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ tại Việt Nam và sự cạnh tranh đến từ các đối thủ trong nước cũng như quốc tế vẫn chưa quá khốc liệt.
Dù có những nét khác nhau, cả 3 thế hệ này đều là những người luôn tìm kiếm giá trị mới, thách thức những khuôn mẫu cũ và không bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Do đó, sau khi tìm được mô hình kinh doanh phù hợp, những nhà sáng lập ở thế hệ thứ nhất nhanh chóng mở rộng theo chiều ngang qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Đặc điểm chung của những nhà sáng lập trong giai đoạn này là sẽ tập trung củng cố sự hiện diện của mình tại Việt Nam thay vì hướng đến các quốc gia khác trong khu vực.
Thế hệ thứ hai bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2007-2014. Hầu hết công ty này đều đạt mức định giá trên 100 triệu USD và sản phẩm của họ đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của nhiều người Việt Nam.
Khi bắt đầu, họ thường gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn so với thế hệ tiền nhiệm và cần nhiều thời gian hơn để chiếm lĩnh thị trường. Sau khi đạt được thành công nhất định, các founders thế hệ thứ 2 phần lớn đều tập trung củng cố lĩnh vực kinh doanh chính của mình bằng việc đầu tư vào các mảng kinh doanh bổ trợ, tạo thành hệ sinh thái xoay quanh lĩnh vực cốt lõi ban đầu.
Những nhà sáng lập ở giai đoạn này có xu hướng bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác trong khu vực nhưng vẫn tập trung nguồn lực chính tại thị trường Việt Nam.
Thế hệ thứ ba (bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2015 - nay) là thế hệ những nhà sáng lập với nhiều nét đặc trưng so với những người tiền nhiệm.
Đầu tiên, rất nhiều founders từng có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft. Nhóm founders này thường có xu hướng phát triển sản phẩm dựa trên các công nghệ nền tảng (deep tech).
Điểm đặc trưng thứ hai, nhiều nhà sáng lập đã có thời gian làm việc tại các startup quy mô lớn hoặc từng xây dựng và thoái vốn thành công startup trước đó. Điểm mạnh của nhóm nhà sáng lập này là khả năng vận hành vượt trội và có thể nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động.
Điểm đặc trưng thứ ba, rất nhiều nhà sáng lập thuộc thế hệ này có tham vọng xây dựng công ty với phạm vi hoạt động toàn cầu.
Trải qua ba thế hệ, dù hướng đi khác nhau, các nhà sáng lập đều đã thành công trong việc xây dựng được những công ty lớn, đem lại giá trị cho hàng triệu người dùng.
Đặc biệt, nhìn vào các nhà sáng lập hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tham vọng của họ nhằm đưa startup Việt Nam ra tầm khu vực, và xa hơn nữa là trên toàn thế giới.
Đòn bẩy từ sân nhà
Một phần không thể thiếu trong bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam là sự hỗ trợ đồng hành của chính phủ bao gồm những hoạt động như: Xây dựng hành lang pháp lý, thiết lập cơ sở hạ tầng, tổ chức các chương trình đào tạo nhân tài và các sự kiện, cuộc thi cho startup.
Có thể thấy, chính phủ đang xem các công ty khởi nghiệp như một nguồn động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Một loạt các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đã đem lại tác động tích cực đến tư duy của thế hệ trẻ, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam.
Chính phủ đang xem các công ty khởi nghiệp như một nguồn động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Đầu tiên, chính phủ đã có nhiều biện pháp để cải tiến hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các startup phát triển. Trong vòng 2 năm trở lại đây, chính phủ đã chính thức thông qua nhiều chương trình sandbox, giúp các startup được thử nghiệm ý tưởng mới trong những ngành chưa có hệ thống pháp luật cụ thể.
Một loạt các nghị định, điều luật mới cũng được ban hành nhằm khuyến khích sự hình thành của các startup đổi mới sáng tạo, tiêu biểu như Nghị định 13/2019/ND-CP quy định miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, giảm 50% lãi suất vay cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trong những năm gần đây, nhiều chương trình, sự kiện lớn liên quan đến khởi nghiệp đã được chính phủ quan tâm, bảo trợ như TechFest, Startup Wheel, Vietnam Venture Summit 2019. Các buổi đối thoại giữa chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cũng thường xuyên được tổ chức để tiếp thu ý kiến, đưa ra các đề xuất cải tiến về môi trường khởi nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang được chính phủ đầu tư mạnh mẽ. Một loạt các khu công nghệ cao tại các thành phố lớn đã được xây dựng như Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (Da Nang Hi-Tech Park)...
Hơn thế nữa, các chương trình đào tạo nhân tài cũng được chính phủ chú trọng, có thể kể đến các vườn ươm như Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC), các chương trình Tăng tốc khởi nghiệp như Vietnam Silicon Valley (VSV), cuộc thi Startup Wheel...
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhờ vào sự hình thành của nền kinh tế số. Với thuận lợi là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất Đông Nam Á, cơ cấu dân số trẻ, đam mê công nghệ với thu nhập GDP bình quân đầu người tăng nhanh, các startup Việt có thể tận dụng lợi thế sân nhà để xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, từ đó tiến ra khu vực Đông Nam Á và xa hơn là ra thị trường toàn cầu.
Nguồn: https://baomoi.com/lan-song-khoi-nghiep-viet-nam-va-loi-the-san-nha/c/32548455.epi
Mặc dù vận, tinh thần tự lập, tự cường và đoàn kết của Saemuel đã mang lại những kết quả ban đầu rất quý. Đó là xây dựng cho người dân ở nông thôn và kể cả thành thị ý chí làm giàu và biết nương tựa vào nhau để cộng đồng cùng giàu có, trù phú, cùng vượt qua khó...
Ý kiến bạn đọc