Chỉ có khoảng 10% vốn của quỹ khởi nghiệp dành cho nông nghiệp.
Làm nông nghiệp nhiều rủi ro trong khi nhà đầu tư luôn đòi hỏi sự chắc chắn nên khởi nghiệp lĩnh vực này cần chuẩn bị để thích ứng.
Không dễ gọi vốn như dịch vụ, công nghệ...
Ông Nguyễn Minh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn - một doanh nghiệp (DN) thành công từ Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao TP HCM) đang vay tín chấp 600 triệu đồng từ một quỹ hỗ trợ DN với lãi suất ưu đãi. Thời gian đầu khởi nghiệp, công ty hoạt động từ nguồn vốn tích lũy của gia đình.
Đến năm thứ 3 mới tiếp cận được vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Theo ông Nhân, nếu khởi nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ… có thể gọi vốn từ giai đoạn ý tưởng thì khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể huy động được vốn khi đã ổn định quy trình sản xuất, thương mại hóa thành công và có nhu cầu mở rộng.
"Để vay được vốn không cần thế chấp tài sản, DN phải chứng minh được khả năng trả nợ, tài sản, dòng tiền. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, vốn ít, nhiều người mua sắm máy móc, trang thiết bị nhưng không lấy hóa đơn để đỡ tiền thuế nhưng về sau khó thuyết minh tài sản cũng như khấu trừ thuế thu nhập DN. DN cũng nên ưu tiên thanh toán qua ngân hàng vì sao kê tài khoản DN là một trong những tài liệu mà nhà đầu tư quan tâm nhất" - ông Nhân nêu kinh nghiệm.
Khởi nghiệp nông nghiệp khó gọi vốn
Đầu tư nhà màng phải lấy hóa đơn để chứng minh tài sản doanh nghiệp
Một DN khởi nghiệp nông nghiệp tại Đồng Tháp cho rằng DN sẽ khó gọi được vốn khi nhà đầu tư dùng những tiêu chí khắt khe về sản phẩm, độ lớn thị trường, lợi thế cạnh tranh của nhóm sáng lập và cách phân chia đội nhóm vận hành…để đánh giá tính khả thi của dự án. Đem băn khoăn này trao đổi tại buổi tọa đàm về khởi nghiệp nông nghiệp diễn ra cuối tuần qua ở TP HCM, DN này được ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Dong A Solutions, trả lời là ngay cả khi gọi vốn từ người thân, các start-up cũng phải chứng minh khả năng thành công để đồng vốn bỏ ra không bị mất. "Trước khi khởi nghiệp, các bạn có quyền lựa chọn bắt đầu hay không. Nếu bạn không có con đường nào khác thì phải cố gắng từng chút một để có thể tồn tại" - ông Việt nêu quan điểm.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Saigon Innovation Hub), người khởi nghiệp cần xác định khởi nghiệp cho mình, nếu không ai hỗ trợ mình vẫn thực hiện. "Các bạn không nên xem các điều kiện nhà đầu tư đưa ra là yêu cầu từ bên ngoài mà điều kiện tự thân của dự án nhằm gợi mở hoàn thiện dự án, bảo đảm thành công. Dự án thành công thì nhà đầu tư mới thu được tiền về" - ông Tước lý giải.
Nông nghiệp vẫn là lợi thế
Ông Huỳnh Kim Tước cho biết trong 1 năm qua, ông đã đọc khoảng 500 dự án khởi nghiệp, 30% trong đó liên quan đến nông nghiệp. "Các nhà sáng lập thường thiếu tư duy đánh giá thị trường, đa phần "thấy hay hay thì làm". Gần đây có nhiều dự án khởi nghiệp từ sen nhưng sản phẩm đơn điệu, nhàm chán. Nhiều nhóm khởi nghiệp rất mau nản chí, dự án không tồn tại được quá 2 năm. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn nhìn thấy sự đam mê của nhà sáng lập, nghe câu chuyện hay về sản phẩm. Câu chuyện quá đơn giản sẽ khó thuyết phục nhà đầu tư rót vốn" - ông Tước nêu.
Ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc Innovation Capital Management, Phó Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times - đánh giá hoạt động đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua còn ít, với 10% vốn của quỹ khởi nghiệp hiện nay là dành cho phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới cần kết nối nhiều hơn với các tổ chức nông nghiệp, sinh viên nghiên cứu, trường đại học để phát triển nhiều hơn về ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp cũng như mô hình kinh tế nông nghiệp.
Ông Huỳnh Kim Tước đánh giá nông nghiệp tuy gặp nhiều thách thức nhưng vẫn là lợi thế của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu. "Lợi thế này chủ yếu đến từ các tài nguyên bản địa chỉ riêng Việt Nam có được. Chẳng hạn, Việt Nam sở hữu các vùng dược liệu quý, trước giờ chỉ làm được những sản phẩm giản đơn như trà, thực phẩm chức năng; nếu ứng dụng công nghệ cao để chiết xuất tinh chất từ các nguyên liệu này chúng ta có thể làm thuốc, mỹ phẩm để gia tăng giá trị" - ông Tước gợi ý.
Thất bại là chuyện thường
Theo ông Huỳnh Kim Tước, khởi nghiệp thất bại là chuyện bình thường. Khởi nghiệp là tạo ra xu thế mới, trào lưu mới chứ không phải bắt đầu kinh doanh; quan trọng không phải sản phẩm mới mà là mô hình mới tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực này, từ 10.000 ý tưởng, chỉ có 100 ý tưởng được đánh giá khả thi để ươm tạo. Sau ươm tạo, 80% thất bại, chỉ 20% còn sống nhưng trong số này phần nhiều trở thành DN vừa và nhỏ, rất hiếm DN khởi nghiệp thành công đúng nghĩa.
Ý kiến bạn đọc