Kinh tế số phải là cỗ máy tiên phong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm tại diễn đàn - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm tại diễn đàn - Ảnh: TTXVN

TTO - Kinh tế số, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sử dụng tri thức nhiều hơn và kết quả là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

TTO - Kinh tế số, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sử dụng tri thức nhiều hơn và kết quả là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.


Kinh tế số sẽ giúp kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Vậy làm thế nào để Việt Nam phát triển kinh tế số là nội dung quan trọng được Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 tập trung thảo luận trong phiên đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Củng cố nền tảng tăng trưởng nhanh và bền vững".
Nói về nền kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nói đơn giản là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.
Mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc của mình như dùng camera để giảm số lượng người bảo vệ, hay dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy... Đó là số hóa nền kinh tế.
Rõ ràng, kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn và kết quả là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Sẽ có những mô hình kinh doanh mới
Cũng theo ông Hùng, công nghệ số sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thay thế mô hình kinh doanh cũ như Uber đang thách thức taxi, fintech (công nghệ tài chính) đang thách thức ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, kinh tế số Việt Nam đi chậm nhất trong các nước ASEAN dù hạ tầng viễn thông phát triển khá tốt, phủ sóng rộng và người Việt Nam ham mê công nghệ, dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ. Để kinh tế số phát triển, cần có sự dẫn dắt của Chính phủ.
Theo đó, cần có chiến lược quốc gia về kinh tế số với các chính sách về công nghệ số, kinh tế số Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định về lợi ích của việc chuyển đổi số và nhấn mạnh là giúp rút ngắn nhiều quy trình kinh doanh, tới 50%, giảm số lượng lao động từ hàng trăm người xuống còn vài ba người... Rất nhiều công việc tự động hóa được triển khai.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn ít nhất trong cả thập kỷ tới. Đây là cơ hội của Việt Nam. Kinh tế số giúp kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu.
Cần phải có chính sách để phát triển kinh tế số
Để nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới, trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục tập trung vào 3 đột phá là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Và đột phá về thể chế là mấu chốt cơ bản bởi có thể chế tốt thì có nhà đầu tư, và huy động được nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. Và nếu có thể chế tốt thì có khoa học công nghệ...
Trong giai đoạn sắp tới chúng ta cần tập trung thể chế gì? Ông Bình nhấn mạnh bên cạnh việc tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn để thu hút các nguồn lực, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, chúng ta phải xây dựng môi trường pháp lý để phát triển nền kinh tế số.
Ví dụ thời gian qua đã có mâu thuẫn về pháp lý giữa Grab và taxi thông thường. Do đó phải ưu tiên làm ngay cái này thì mới phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam phải tiếp tục xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế như hạ tầng cho cách mạng công nghiệp 4.0 thì hạ tầng công nghệ phải đi trước một bước, nay đã có 4G thì tới đây phải có 5G. Còn hạ tầng điện, như ước tính đến năm 2030, chúng ta cần 150 tỉ USD để đầu tư.
Làm thế nào để Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số mà không bị bỏ phía sau, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải chú trọng quá trình đào tạo lại ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và kể cả hết phổ thông đào tạo từ 3 - 6 tháng để người lao động có thể tham gia 4.0. Việc lắp đặt camera để thay thế người bảo vệ cũng là công nghệ 4.0.
Và nói về cách mạng công nghiệp 4.0, về kinh tế số, ông Hùng cho hay rất nhiều người, nhất là những người trung niên lo ngại sẽ bị mất việc làm nhưng không phải như vậy, vì chúng ta sẽ trải qua hàng nghìn cuộc cách mạng nữa.
"Tôi xin ví dụ cho dễ hiểu bằng việc lấy mặt bàn là điểm ở giữa máy móc và con người. Máy móc chỉ làm được những việc dưới mặt bàn trở xuống mặt đất, còn con người phải làm những việc từ mặt bàn trở lên không trung. Rõ ràng lên không trung là vô hạn nên mãi mãi những việc con người phải làm cũng là vô hạn. Do đó không có chuyện bị mất việc làm" - ông Hùng nêu.
Kết thúc phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành công trong thời gian qua là nhờ chính sách thể chế của Việt Nam. Và trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tốt hơn để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Cùng với đó, định hướng xây dựng thể chế tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để mọi người dân và doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry:
Nên từ bỏ than mà dùng năng lượng gió, mặt trời để sản xuất điện

Để tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần ưu tiên chống tham nhũng, gỡ bỏ rào cản, nút thắt trong phát triển kinh tế. Như đối với lĩnh vực năng lượng, có thể Việt Nam bị cản lại dù muốn hay không vì không đáp ứng nổi nhu cầu năng lượng. Nhu cầu năng lượng tăng lên so với khả năng cung cấp của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang dùng than để sản xuất điện - một nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần từ bỏ than mà khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để sản xuất điện.
Việt Nam tự tin chuyển đổi thành công sang kinh tế số
Phát biểu bế mạc diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn, mở ra cơ hội đuổi kịp các nước phát triển. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. Hiện tại có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G và 4G, 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh... Đây là cơ hội để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: T.Trung
Về những nhiệm vụ triển khai trong năm 2019, sẽ chỉ đạo việc đánh giá lại những khía cạnh điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ từ trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào những khía cạnh quản trị của Chính phủ. Những mục tiêu như chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Chính phủ sẽ đánh giá toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển, trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
"Một trong những vấn đề Chính phủ sẽ tập trung trong năm nay và những năm tiếp theo là ưu tiên nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cuộc cách mạng 4.0. Tăng chi cho khoa học công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sẽ là một trọng tâm chính sách của Chính phủ trong năm 2019" - Thủ tướng cam kết.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 được Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương tổ chức hôm 17-1. Đây là sự kiện quan trọng với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện của các bộ ngành... nhằm khuyến nghị cho Việt Nam các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong năm nay và những năm tới.

Tác giả bài viết: Lê Thanh