Việt Nam lần đầu tiên trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025 tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sáng 18-12 (theo giờ Hà Nội) với số phiếu 157/193.
Xin Thứ trưởng cho biết UNCITRAL có vai trò như thế nào đối với việc xây dựng luật pháp quốc tế về thương mại?
- Thứ trưởng LÊ HOÀI TRUNG: UNCITRAL được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập từ năm 1966, hiện có 60 thành viên. Đây là một cơ quan có vị trí hàng đầu trong vấn đề xây dựng các văn kiện pháp lý đa phương về thương mại quốc tế; đồng thời cũng là cơ quan đưa ra nhiều mẫu, những mô hình xây dựng văn bản về thương mại mà các nước có thể tham khảo.
Trúng cử thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế: Việt Nam sẽ được bảo đảm lợi ích
Trước đây chủ yếu là thương mại hàng hóa, rồi đến thương mại dịch vụ và hiện nay đang trao đổi về vấn đề liên quan tới thương mại điện tử hay quá trình phá sản của doanh nghiệp, các quốc gia có thể chuẩn bị như thế nào… Cho nên, đây là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong vấn đề xây dựng những luật lệ, những văn kiện pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Quá trình chuẩn bị về nhân sự và vận động để trở thành thành viên UNCITRAL gặp những khó khăn gì?
- Nhiều khó khăn đặt ra do đây là ủy ban giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý đa phương liên quan đến thương mại quốc tế. Vấn đề này quan trọng với tất cả các nước nên vị trí này rất được quan tâm. Việt Nam lần đầu ứng cử, đúng vào năm cạnh tranh cao do ở nhóm châu Á - Thái Bình Dương mà ta là thành viên có đến 11 ứng cử viên, nhiều hơn số ghế có được (7 ghế).
Từ năm 2017, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ - ngành có liên quan, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc ứng cử vào UNCITRAL và Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương. Để ứng cử như vậy, chúng ta phải thông tin với các nước thành viên Liên Hiệp Quốc về các nội dung như tại sao chúng ta quyết định tham gia UNCITRAL, chúng ta đánh giá về vị trí của UNCITRAL như thế nào, trên thực tế Việt Nam đã làm được những gì để đóng góp vào công việc liên quan đến luật thương mại quốc tế...
Việt Nam đạt 157 phiếu bầu, là nước có số phiếu cao thứ 5, cho thấy các nước đánh giá cao vị thế quốc tế của chúng ta, nhìn nhận về thành tựu của chúng ta về kinh tế cũng như thương mại đầu tư, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến thương mại, đầu tư.
Vậy lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi trở thành thành viên UNCITRAL là gì?
- Là thành viên của ủy ban, chúng ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình thảo luận, xem xét các vấn đề mà các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân đặt ra trong các vấn đề thương mại quốc tế. Chúng ta sẽ có tiếng nói sớm và sâu hơn đối với các văn bản, văn kiện được xem xét. Nhờ đó, không chỉ có thể đóng góp vào công việc chung của thương mại quốc tế mà còn có thể bảo đảm những lợi ích chính đáng của chúng ta.
Một trong những vấn đề trọng tâm, liên quan sát sườn với Việt Nam hiện nay là cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các quốc gia. Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ ta, do đó vấn đề cải tổ hệ thống này để hiệu quả hơn là rất quan trọng.
Trong các hiệp định bảo hộ thương mại đầu tư song phương cũng như đa phương và nhiều các văn kiện khác cũng đều liên quan đến nội dung bảo hộ thương mại với các nhà đầu tư. Quá trình giải quyết có thể rất dài, tốn kém, làm sao bảo đảm lợi ích chính đáng và công bằng cho cả các nhà đầu tư và các quốc gia, chính phủ khi đưa ra các cơ chế quốc tế, về trọng tài. Đặc biệt, trong hoàn cảnh đội ngũ luật sư, tri thức về luật và nguồn tài chính còn hạn chế của các nước đang phát triển.
Tất cả các vấn đề quan trọng của thương mại quốc tế như tự do thương mại và bảo hộ thương mại cũng sẽ được đưa ra để bàn thảo và sẽ có tranh luận. Quá trình tham gia cũng giúp Việt Nam tích lũy thêm kinh nghiệm, tri thức để vận dụng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi tốt hơn những công ước ở trong nước…
Ý kiến bạn đọc