Với sự tham gia của Bồ Đào Nha, sáng kiến của Trung Quốc được cho là đã chiếm một lợi thế vì đất nước Tây Nam Âu này có vị trí quan trọng trên cả đường biển lẫn đường bộ, cho phép Trung Quốc dễ dàng tỏa ngược lên toàn bộ châu Âu.
Quốc gia thân hữu
Bồ Đào Nha là “chiến lợi phẩm” mới nhất mà Trung Quốc chính thức giành được trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Liên minh châu Âu (EU). Lisbon hầu như phớt lờ các mối quan ngại ngày càng lớn của EU trước các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược của châu Âu như hải cảng, vận tải, năng lượng, công nghệ…, sợ rằng an ninh châu Âu có thể bị đe dọa, công nghệ và phát minh của châu Âu bị đánh cắp.
Trong một bài phân tích đăng trên trang blog của Atlantic Council - một trong những viện nghiên cứu uy tín tại Mỹ, Chủ tịch Atlantic Council Frederick Kempe đã nêu bật một khía cạnh mà cho đến nay ít được chú ý: Trung Quốc đã bắt đầu có được năng lực lèo lái một số chính sách của EU theo hướng có lợi cho Bắc Kinh thông qua một số quốc gia thân hữu.
Trước hết, sự hào phóng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một số nước châu Âu gặp khó khăn tài chính như Hungary và Hy Lạp đã giúp cho Bắc Kinh có ảnh hưởng ngày càng mạnh trên các quyết định của EU mà 2 quốc gia này là thành viên.
Ngay từ năm 2011, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo để tìm hỗ trợ tài chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008, mở cho Bắc Kinh một con đường đi vào EU. Ông Orban “cậy nhờ” Trung Quốc là vì sự sống còn của Hungary trước nguy cơ vỡ nợ, nhưng lại không muốn vay mượn với điều kiện nghiêm ngặt của các định chế châu Âu. Bắc Kinh sẵn sàng giúp Budapest, trong lúc Hungary cũng đã thuyết phục được một số lãnh đạo Trung Âu khác đi theo Bắc Kinh. Kết quả là cơ chế “16+1” ra đời, đặt trụ sở ở Budapest, bao gồm Trung Quốc và 16 nước Trung và Đông Âu. Từ đó đến nay, cơ chế này đã giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng chưa từng thấy trong vùng.
Ông Kempe nêu một số ví dụ cụ thể cho thấy, thành công mau chóng của Bắc Kinh trong việc tung tiền vào Hungary để từ đó lèo lái chính sách EU theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tháng 3-2017, Hungary đã phá vỡ đồng thuận của châu Âu, từ chối ký một bức thư chung tố cáo các hành vi mà châu Âu cho rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Trước đó, tháng 7-2016, cùng với Hy Lạp - một quốc gia thành viên EU cũng được Bắc Kinh hào phóng mở hầu bao trợ giúp - Hungary cũng đã ngăn chặn việc nêu đích danh Trung Quốc trong một bản thông cáo của EU về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague phủ nhận những đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh về chủ quyền ở biển Đông. Riêng Hy Lạp, tháng 6-2017, cũng đã ngăn chặn một tuyên bố của EU tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Đó là lần đầu tiên EU không có tuyên bố chung về nhân quyền Trung Quốc tại định chế nhân quyền hàng đầu của LHQ.
Chiến tranh chính trị
Theo chuyên gia Kempe, châu Âu đang đau đầu vì những cú sốc đến từ một nước Mỹ ngày càng khó lường, một Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán hơn và một châu Âu với nội bộ ngày càng thêm chia rẽ về cách lèo lái giữa hai thế lực đó. Từ ngày 2 đến ngày 4-12-2018, các chuyên gia về chiến lược Âu - Mỹ đã tề tựu về Đức tham dự Diễn đàn Chiến lược Munich, một sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị An ninh Munich.
Bên lề diễn đàn, ông Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, đã bày tỏ lo ngại: “Trung Quốc đã cho thấy là họ có khả năng phủ quyết các chính sách của EU”. Nhiều quan chức châu Âu cũng thừa nhận Trung Quốc đã thực hiện quyền phủ quyết họ giành được trên những chính sách cần sự đồng thuận.
Mối quan ngại lại càng lớn do việc ảnh hưởng của Trung Quốc tăng vọt ngoài dự kiến của mọi người, song song với đà phình lên nhanh chóng của đầu tư Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu năm 2017 đã lên đến 30 tỷ USD, so với vỏn vẹn 700 triệu USD trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ hội cho châu Âu xuất hàng sang Trung Quốc, nhưng đồng thời Trung Quốc cũng gia tăng việc xuất khẩu và đầu tư sang châu Âu bù đắp cho thị trường bị mất ở Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, những thương vụ Trung Quốc thâu tóm các công ty châu Âu (trị giá 20 tỷ USD) đã cao hơn 9 lần số vụ ở Bắc Mỹ, trong lúc đầu tư Trung Quốc vào châu Âu (12 tỷ USD) cũng cao hơn vào Mỹ 6 lần. Ngoài ra, một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ - Trung Quốc trong tương lai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến châu Âu trong bối cảnh Trung Quốc có thể quyết định thay thế sản phẩm châu Âu bằng hàng hóa Mỹ.
Khả năng tranh chấp Mỹ - Trung Quốc leo thang cũng làm đau đầu các chuyên gia châu Âu, không biết nên chọn phía nào, hay lèo lái ra sao, đặc biệt đối với các quốc gia và ngành công nghiệp có nhiều vốn liếng ở Trung Quốc. Một số quan chức châu Âu đã nói đến sự cần thiết phải có quyền “tự chủ chiến lược” trước các hành động của Mỹ trừng phạt các thực thể nước ngoài trong hồ sơ Iran cũng như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặt lại vấn đề chủ nghĩa đa phương và EU.
Thế nhưng, các quan chức này cùng lúc còn quan ngại hơn về cái được gọi là “chiến tranh chính trị” của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng kinh tế, tài chính và cả ngoại giao. Một báo cáo của 2 trung tâm tham vấn Đức - GPPI và Viện nghiên cứu về Trung Quốc Mercator - cho thấy Bắc Kinh đã lợi dụng cơ chế thông thoáng của châu Âu và “nhanh chóng gia tăng nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị ở châu Âu”. Theo bản báo cáo, một số người gọi hành động của Trung Quốc là một hình thức tiến hành “chiến tranh chính trị”, tức là sử dụng những công cụ phi quân sự, công khai lẫn bí mật, để tác động lên các thành phần ưu tú trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giới nghiên cứu và công luận ở châu Âu. Qua những nỗ lực này, Trung Quốc vừa làm yếu đi sự đoàn kết của châu Âu cũng như sức thu hút của Mỹ, vừa cải thiện hình ảnh của mình trong tư cách một phương án thay thế.
chủ tịch, bình trung, thỏa thuận, quốc gia, sáng kiến, vành đai
Sáng ngày 21/9/2016, Hội Nông dân huyện Bàu Bàng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương đã tổ chức hội thảo “Nông dân Bình Dương với công nghệ cao gắn với sinh hoạt ban vận động thành lập câu lạc bộ các trang trại cây có múi”. Đến dự, có ông Lê Minh Sơn – Trưởng Ban Kinh tế -...
Ý kiến bạn đọc