Người bán hàng online phải độc lập, không để bị phụ thuộc vào các trang mạng xã hội. Ảnh: THU HƯỜNG
Không cần vốn, không mất mặt bằng, không phải xin giấy phép, không bị kiểm duyệt, chỉ một dòng trạng thái, vài cú nhấp chuột là có ngay gian hàng kinh doanh trên trang mạng xã hội, hoặc gia nhập làm thành viên của các trang thương mại điện tử. Đơn giản là vậy, nhưng kinh doanh online liệu có phải là sự lựa chọn an toàn?
Không cần vốn, không mất mặt bằng, không phải xin giấy phép, không bị kiểm duyệt, chỉ một dòng trạng thái, vài cú nhấp chuột là có ngay gian hàng kinh doanh trên trang mạng xã hội, hoặc gia nhập làm thành viên của các trang thương mại điện tử. Đơn giản là vậy, nhưng kinh doanh online liệu có phải là sự lựa chọn an toàn?
Sớm nở chóng tàn
Năm 2010, kinh doanh online bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam với các tên tuổi như Muachung, nhommua, hotdeal... Kể từ đó, cơn bão kinh doanh online đổ bộ vào nước ta và phát triển rầm rộ. Người người bán online, nhà nhà bán online với đủ mọi mặt hàng, từ trang cá nhân đến các trang thương mại điện tử bằng gian hàng không gian ảo, đông đảo nhất là giới trẻ.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và số lượng này còn tăng bởi hơn một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet. Trung bình mỗi người dành 3 giờ/ngày để lên mạng, gần 1/3 số người sử dụng internet để mua sắm với trung bình 160 USD người/năm. Mảnh đất màu mỡ nhất mà người trẻ tận dụng để kinh doanh online là Facebook, Zalo. Không cần vốn, không mất mặt bằng, không phải xin giấy phép, không bị kiểm duyệt, chỉ cần ưng bán mặt hàng nào, có nguồn hàng thì đăng tải một dòng trạng thái là có thể bước chân vào thế giới kinh doanh online. Ai đặt hàng thì mới lấy về giao và hưởng chênh lệch giá.
Công cụ bán hàng vô cùng gọn nhẹ, chỉ một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, một tài khoản cá nhân là cả thế giới kinh doanh ảo mở ra trước mắt. Cả người bán và người mua chỉ việc ngồi một chỗ, kết nối với nhau để đi đến thỏa thuận, các khâu còn lại có bên giao hàng lo. Tuy tiềm năng là vậy nhưng để trụ được và sống được bằng kinh doanh online lại không đơn giản.
Nguyễn Hữu Thúy Anh (ngụ quận 10) chia sẻ: “Đúng là chưa bao giờ kinh doanh lại dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay, nhưng trăm người bán thì chỉ một vài người trụ lại được. Không phải bán hàng online là cứ tung hình sản phẩm rồi viết vài lời hoa mỹ giới thiệu là bán được mà phải có chiến lược kinh doanh, nghiên cứu đối tượng khách hàng, lựa chọn sản phẩm phù hợp, phải rất kiên trì và dành nhiều thời gian cho nó, quan trọng nhất là nguồn hàng uy tín, giá cạnh tranh so với mặt bằng chung. Nói chung là cả tỷ thứ phải làm nếu muốn kinh doanh nghiêm túc trên mạng”.
Cũng bởi vậy mà mỗi ngày, hàng ngàn tài khoản Facebook được trưng dụng để bán hàng online nhưng cũng rất nhiều trong số ấy tồn tại một cách èo uột, thậm chí “chết yểu” sau vài ba dòng trạng thái quảng cáo sản phẩm bởi không có người hưởng ứng và không đủ kiên nhẫn, hoặc sản phẩm quá phổ biến, chất lượng kém nên vấp phải những phản hồi không tích cực…
Nguyễn Ý Yên, 22 tuổi (ngụ quận 4) đã từng 3 lần “khởi nghiệp” bằng bán hàng online. Từ thời trang, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân đều được Ý Yên bung ra bán nhưng mỗi mặt hàng chỉ tồn tại ít thì 2 tuần, nhiều thì vài tháng là “chết yểu”. Ấy vậy nhưng cô gái trẻ này vẫn quyết bám trụ…
Đừng bị phụ thuộc
Trong một chương trình gặp mặt của Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ - một trong những chương trình về dự án khởi nghiệp, được đông đảo bạn trẻ quan tâm), doanh nhân Phạm Thanh Hưng cho rằng, hiện nay rất nhiều người, nhất là giới trẻ kinh doanh online nhưng đang bị phụ thuộc vào Facebook hoặc Google. Vị doanh nhân này đặt giả thiết: “Khi chính sách thay đổi, những mạng xã hội rút khỏi Việt Nam hoặc đóng cửa thì sẽ thế nào? Nguyên tắc là không nên xây nhà trên đất của người khác, nhưng trên thực tế, phần lớn người kinh doanh online ở Việt Nam hiện nay đang lệ thuộc rất lớn vào các trang mạng xã hội”.
Rõ ràng, nếu kinh doanh online chỉ là việc làm kiếm thêm thu nhập với vài ba đơn hàng mỗi ngày thì không sao, nhưng nếu muốn phát triển cao hơn, trở thành công việc chính thì vấn đề là người kinh doanh phải đi đường dài bằng cách xây dựng cho riêng mình kênh bán hàng uy tín, thay vì bằng cách “ký gửi” cho một bên khác, để rồi lệ thuộc vào sự sống của nó. Minh chứng là rất nhiều người bán hàng online trên Facebook đã phải điêu đứng, tạm ngưng kinh doanh hoặc lập một tài khoản khác để thay thế khi tài khoản Facebook bị đánh cắp.
Từng phải làm lại từ đầu, Dương Minh Tú, 24 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh), cho biết: “Thời điểm ấy, tôi vô cùng hoang mang, một mặt nhờ người lấy lại tài khoản, một mặt phải lập một trang mới để tiếp tục bán hàng. Vấn đề là ở đây, lập trang mới, gần như mất hết khách hàng thân thiết và lượng người theo dõi đã gầy dựng trong nhiều năm, trong khi đó, nhiều người lại nghi ngờ bị kẻ xấu giả mạo để lừa đảo”. Ngay sau khi xảy ra sự cố, dù lấy lại được tài khoản Facebook và tiếp tục kinh doanh nhưng Minh Tú cũng tìm một cộng sự lập và quản lý website bán hàng riêng, đồng thời tham gia gian hàng thương mại điện tử của các sàn giao dịch như Tiki, Lazada, Shopee…
Đem vấn đề này ra mổ xẻ, một giảng viên của Trường Cao đẳng Công thương TPHCM cũng nhìn nhận: “Tôi biết rất nhiều bạn đã nghỉ việc chuyên môn để tập trung kinh doanh online trên Facebook. Nhờ nắm bắt thị trường từ sớm, họ kinh doanh rất tốt, có lượng khách ổn định, thu nhập cao nhưng lại không tính đến mở cửa hàng hoặc kinh doanh độc lập trên kênh thương mại điện tử, bởi chưa nhìn ra cái bất lợi của sự phụ thuộc hoặc cũng có thể không đủ năng lực để quản lý một “cơ ngơi” riêng trên thương mại điện tử”.
Trước thực trạng kinh doanh online đã quá “hot”, nhiều doanh nhân đi trước cho rằng, giới trẻ nên dành thời gian nghiên cứu xu hướng sắp tới để thực hiện, để là những người tiên phong thay vì chạy theo những cái đang ở trên cao trào và có nguy cơ tuột dốc bất cứ lúc nào.
Ý kiến bạn đọc