Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Đăng lúc: Thứ ba - 19/02/2019 16:55 - Người đăng bài viết: Quản trị
Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô mới sản xuất được vỏ ruột, dây thắng, bộ tản nhiệt... Ảnh: THÀNH TRÍ

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô mới sản xuất được vỏ ruột, dây thắng, bộ tản nhiệt... Ảnh: THÀNH TRÍ

Tính đến nay, ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hầu hết đều nằm trong tay các DN FDI, còn DN nội vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh.
Tính đến nay, ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  (CNHT) hầu hết đều nằm trong tay các DN FDI, còn DN nội vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh.

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô mới sản xuất được vỏ ruột, dây thắng, bộ tản nhiệt... Ảnh: THÀNH TRÍ

Chỉ sản xuất linh kiện đơn giản

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công thương), trong những năm qua, CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Cụ thể, tổng số các DN sản xuất liên quan đến ô tô là 358, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Về thị trường CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đã hình thành và phát triển thị trường sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Đa số các DN cũng chủ động đầu tư vào dây chuyền máy móc, công nghiệp để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết ô tô... 

Tuy nhiên, số lượng này còn khá khiêm tốn so với 385 DN ở Malaysia và 2.500 DN ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đầu tư vào CNHT sản xuất chi tiết tổng thể thành ô tô như: Thaco, TMV, Samco, Vinamotor… Đối với các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản. Cụ thể, xe tải 7 tấn đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hoá trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 45%-55%. Riêng tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%. Trong đó, Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cá nhân đến 9 chỗ ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng ở mức độ đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp như: Các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước, hộp số, vô lăng, van điều khiến trong hộp số tự động, điều khí trong động cơ, sơ mi xi-lanh, ghế ngồi, bàn đạp chân ga, chân phanh, ăng-ten cho radio trong xe, một số sản phẩm đúc hợp kim, một số chi tiết composite... “Trên thực tế, dù có một số DN trong nước tham gia vào CNHT nhưng hầu hết phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ DN FDI, tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ DN nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các DN cung cấp hiện có, hơn 90% là DN FDI, chỉ có số ít DN trong nước có thể tham gia vào mạng lưới của DN cung cấp cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam”, chuyên gia kinh tế TS Trần Văn Cường, Đại học Quốc gia TPHCM, thông tin.

Cần chính sách hỗ trợ kịp thời

Trong buổi hội thảo gần đây bàn về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT, Phó Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo Lương Đức Toàn thẳng thắn nhìn nhận, đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô hiện còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của DN nội địa. “Nhiều DN còn bị động, chưa hợp tác, liên kết tạo thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Thậm chí, năng lực sản xuất của DN trong nước còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao”, ông Toàn nói. Theo ông Toàn, để phát triển CNHT ngành ô tô cần phải nâng cao năng lực DN hỗ trợ ngành ô tô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và gói tín dụng; hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới...”, ông Toàn đề nghị.

Còn theo Phó Giám đốc Toyota Việt Nam Shinjiro Kajikawa, ba yếu tố quan trọng trong phát triển CNHT chính là chất lượng, chi phí và giao hàng. Trong khi đó, thị trường ô tô tại Việt Nam chưa có sự ổn định về chính sách khiến các nhà đầu tư còn do dự; thêm vào đó, sản xuất nội địa còn thấp. Đơn cử, sản lượng của Toyota Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, do sản lượng nhỏ và tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng 10%-20%. Chính những điều này đã dẫn đến ngành công nghiệp ô tô hiện nay của Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh. Các chuyên gia cho rằng, để đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, đòi hỏi Chính phủ có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất trong nước theo hướng rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các DN yên tâm đầu tư. Chính phủ cần sớm thông qua những định hướng, chủ trương như hỗ trợ đầu tư phát triển khuôn mẫu, giúp thị trường nhanh chóng tăng trưởng và nội địa hóa diễn ra một cách mạnh mẽ hơn. “Để ngành CNHT ô tô phát triển mạnh mẽ, qua đó đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa ô tô, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào ngành CNHT, cơ khí dài hạn. Bởi đầu tư vào các lĩnh vực này đòi hỏi nhiều vốn và thời gian thu hồi vốn cũng dài hơn các ngành khác”, chuyên gia kinh tế, TS Trần Minh Ngọc, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đề nghị.


Tác giả bài viết: Lạc Phong
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

KÍCH HOẠT LIÊN KẾT 4 NHÀ

Về phía Nhà nước, tại buổi tọa đàm truyền hình online trực tiếp tại Báo Bình Dương, ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, nơi có đến hơn 80%diện tích đất nông nghiệp, cho biết: "Hiện chúng tôi đang tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển mô hình...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.476
  • Tổng lượt truy cập: 26.183.589

Quảng cáo

Liên kết website