Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Tập trung xuống đồng gieo trỉa lạc xuân

Đăng lúc: Thứ tư - 01/02/2012 16:09 - Người đăng bài viết: Quản trị
Đối với xã Thạch Châu (Lộc Hà), lạc được xem cây trồng chủ lực của địa phương. Không chỉ vì thiên nhiên đã ban tặng cho vùng chất đất tơi xốp, độ mùn cao, phù hợp với loại cây trồng cạn này mà chính nó đã trở thành một sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao từ nhiều năm nay

Những cơn mưa kéo dài trước và sau tiết lập xuân khiến cho tiến độ gieo trỉa lạc xuân của các địa phương trong tỉnh gặp không ít khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ gieo trỉa được gần 50% diện tích. Thời vụ sản xuất không còn nhiều, đây là điểm bà con nông dân tập trung cao độ gieo trỉa hết diện tích trước khi khung thời vụ khép lại…

Không giống như năm trước, thời tiết trong vụ sản xuất đông xuân 2011- 2012 khá đặc biệt. Tiết lập xuân đến muộn (sau Tết Nguyên đán) cộng với có nhuận hai tháng 4 âm lịch, do vậy các đợt rét với cường độ mạnh thường tập trung vào đúng khung thời vụ sản xuất các cây trồng chính như lúa, lạc, ngô… Những đợt không khí lạnh tăng cường đã khiến gần 10.000 ha lúa đông xuân bị chết rét, hàng trăm ha buộc phải gieo cấy lại là một trong những nguyên nhân kéo chậm tiến độ sản xuất cây lạc xuân năm nay. Thêm vào đó, suốt cả thời vụ xuống giống lạc xuân lại trùng vào đợt mưa rét, những giống đất cứ được cày bừa kỹ lại bị ngâm nhão trong nước mưa.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ gieo trỉa được 8.090 ha trong tổng số 18.048 ha lạc xuân, đạt 44,8%. Diện tích cao nhất tập trung ở những vùng đất cao ráo của một số địa phương như: Đức Thọ (1.100 ha, đạt 79% KH); Thạch Hà (1.000 ha, 56% KH); Hương Khê (1.400 ha, 60,9% KH)… Như vậy, không đủ một tuần lễ nữa khung thời vụ gieo trỉa lạc xuân sẽ kết thúc nhưng toàn tỉnh chỉ mới đạt một nửa kế hoạch đề ra. Theo kinh nghiệm của một số bà con nông dân, vào thời điểm này của những năm trước, lạc đã lên xanh cả cánh đồng thế mà năm nay nhiều nơi chỉ mới bắt đầu bước vào làm đất. So với khung thời vụ của năm nay, có thể lạc xuân không bị trễ thời vụ, song nguy cơ lấn sang thời vụ sản xuất vụ hè thu vẫn ở mức cao.

Đối với xã Thạch Châu (Lộc Hà), lạc được xem cây trồng chủ lực của địa phương. Không chỉ vì thiên nhiên đã ban tặng cho vùng chất đất tơi xốp, độ mùn cao, phù hợp với loại cây trồng cạn này mà chính nó đã trở thành một sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao từ nhiều năm nay. Ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: “Thế mạnh của chúng tôi là lạc. Với tổng diện tích 265 ha, năng suất bình quân hằng năm của xã đạt từ 3- 3,1 tấn/ha, có nơi đạt gần 4 tấn/ha (trong khi năng suất bình quân của toàn tỉnh là 2- 2,2 tấn/ha). Tính ra, trên 1 ha đất lạc có thể cho doanh thu trên 60 triệu đồng mỗi vụ, đặc biệt là các giống lạc cao sản L14, L23. Kết quả đó đã tạo sức lan tỏa lớn để bà con trong xã đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích canh tác, từng bước nâng cao đời sống của mình. Năm nay, mũi nhọn tập trung của chúng tôi vẫn là những giống lạc cao sản có giá trị hàng hóa lớn, góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu vụ, xã đã tăng cường được thêm 10 tấn giống lạc L23 thông qua cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay đầu tư phân bón cho bà con sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí nguồn giống lạc nguyên chủng để bà con trong xã đầu tư sản xuất giống”.

Chỉ mới vài ngày ra quân nhưng toàn xã Thạch Châu đã phủ kín 50% diện tích lạc xuân. Bác Phan Thị Tuyết, xóm An Lộc chia sẻ: “Mùa nào thức nấy nhưng kinh tế của gia đình chủ yếu vẫn chỉ trông chờ vào 1 mẫu trồng lạc này. Tôi chỉ gieo trỉa giống L23, vừa dễ bán mà giá lại cao, mỗi vụ gia đình tôi thu về trên 23 triệu đồng. Chị thấy đấy, ngay khi thời tiết nắng ráo là cả gia đình tập trung xuống ruộng để cho kịp thời vụ chứ không có lạc là mất hết”.

Xuống đồng cùng bà con trong những ngày cuối cùng của khung thời vụ gieo trỉa, không khí tấp nập, khẩn trưởng hiện rõ ngay trên từng khuôn mặt của bà con nông dân. Tại Nghi Xuân, một trong những địa phương có diện tích lạc lớn nhất tỉnh cũng đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút” để về đích đúng kế hoạch. Nhân lực, máy móc, trâu bò kéo được huy động tối đa xuống đồng, nhờ vậy, chỉ trong mấy ngày nắng ráo, toàn huyện đã thực hiện gieo trỉa được hơn 60% trong kế hoạch 2.100 ha của mình với giống chủ yếu là L14 (chiếm 80% diện tích). Trong đó, một số xã đã cơ bản hoàn thành như: Tiên Điền, Xuân Hải, Xuân Phổ và Xuân Đan. Cùng với đó, huyện hỗ trợ 30% giá giống lạc L 23 để bà con tiếp cận đầu tư sản xuất, đa dạng hóa giống lạc trên địa bàn.

Vụ lạc xuân là vụ sản xuất lạc chính trong năm. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, lạc còn tham gia trong nền kinh tế nông nghiệp như một sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc biệt là các giống lạc cao sản chất lượng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc lựa chọn nguồn giống; tuân thủ thời vụ sản xuất; quy trình kỹ thuật thâm canh là những yếu tố tiên quyết để sản phẩm của quê hương đủ sức vươn ra thị trường theo đúng lộ trình định hướng của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Thành phố Cao Lãnh: phát triển kinh tế dựa vào sản phẩm chủ lực

Thông tin này vừa được lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh công bố tại buổi giao lưu với phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh vào tối 23/7, tại Khách sạn Hòa...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.494
  • Tổng lượt truy cập: 25.591.829

Quảng cáo

Liên kết website