Khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản từ kinh tế hộ gia đình từ nhiều năm trước, năm 2011, mô hình này đã chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã Xuân Thành (HTX) với 10 xã viên góp vốn đầu tư xây dựng và phát triển. Qua tìm hiểu học hỏi các mô hình nuôi tôm trên cát ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, HTX đã đầu tư xây dựng 3 hồ (3ha) nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.
Để đảm bảo chắc ăn, không “đánh bạc với trời”, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, HTX đã liên kết chặt chẽ với Tập đoàn CP Việt Nam – một tập đoàn chuyên nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để được tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật, con giống.
Ông Hồ Quang Dũng – Chủ nhiệm HTX Xuân Thành cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vùng ven biển có nhiều thuận lợi, nhất là làm hồ treo (vun đập, trải bạt nổi trên mặt đất, độ sâu từ 1,5 đến 2 m). Nguồn nước lấy từ biển vào nên không bị nhiễm bệnh và ô nhiễm, thu hoạch xong vụ là xả nước làm vệ sinh nên các hồ bảo đảm sạch sẽ thích nghi với môi trường sinh trưởng của tôm. Thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn (từ 70 đến 80 ngày) nên công chăm sóc và các khoản chi phí khác cũng giảm đáng kể cho người nuôi, đặc biệt rủi ro do tôm bệnh chết rất ít, vì vậy người nuôi an tâm và bỏ tiền đầu tư lớn, hiệu quả thu lại cũng rất cao.
Chính vì vậy qua 3 năm triển khai, mô hình nuôi tôm trên cát của ông Dũng đã đạt được thành công đáng kể , năng suất vượt trội (đạt 18-22 tấn/ha/vụ), nuôi được 2-3 vụ/năm, lợi nhuận đạt 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các xã viên HTX, mô hình nuôi tôm này còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của ông Hồ Quang Dũng đã khai thác tiềm năng lợi thế, biến vùng cát hoang hóa lâu nay trở thành vùng "cát vàng", giúp người dân làm giàu chính đáng cho họ trên địa bàn các xã ven biển ở Hà Tĩnh.
http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE1876C9/Thanh_pho_Cao_Lanh_se_tro_thanh_noi_dang_den_va_o_lai_lap_nghiep.aspx
Ý kiến bạn đọc