Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Kiên Giang - Biển đảo

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/11/2017 12:39 - Người đăng bài viết: Quản trị
Kiên Giang - Biển đảo

Kiên Giang - Biển đảo

TỈNH KIÊN GIANG
Biển đảo
Quần đảo Bà Lụa
Quần đảo Bà Lụa thuộc tỉnh Kiên Giang được ví là “tiểu Hạ Long” của Phương Nam. Quần đảo Bà Lụa còn có tên gọi khác là quần đảo Bình Trị gồm khoảng 45 đảo lớn, nhỏ ngoài khơi thuộc huyện Kiên Lương, ở vị trí cách mũi Hòn Chông – Bình An khoảng 7km về phía Tây và cách Ngã Ba Hòn 15 km về hướng Đông. Trong khoảng 45 đảo của quần đảo Bà Lụa chỉ có 10 đảo có cư dân sinh sống, trong đó có các đảo lớn như: Dê Lớn, Đội Trưởng, Sơn Tế, Nhum Tròn, Nhum Bà, Nhum Ông (Oursin) Hòn Heo. Hòn Heo là đảo lớn nhất quần đảo Bà Lụa, đây là một đảo có chu vi khoảng 7 km và diện tích vào khoảng 1,5 km². Tên gọi hòn Heo xuất phát từ việc người Pháp ra đảo lập trại nuôi lợn (heo) thử nghiệm vào năm 1918. Còn lại phần nhiều là những đảo hẹp từ 2 – 4ha như: Một, Lô Cốc, Đá Lửa, Heo, Dê, Nứa (Ngoa), Bơi Trương (Ngang), Rễ Nhỏ, Rễ Lớn, Nhum Một, Nhum Hai, Nhum Ba, Bờ Đập, Ông Tiều, Nhum Giếng (Mum Ay), Nhum Hà, Mâm Xôi, Sơ Rơ, Vong, Chen, Lam (Ba Hòn Lò), Sơn Tế Lớn, Sơn Tế Nhỏ, Dừa, Dựng, Dứa, Sơn… Những hòn đảo do dân bản địa đặt tên tuỳ theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết, giai thoại như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước...
Tên gọi Bà Lụa của quần đảo này được người ta giải nghĩa rất khác nhau. Có nguồn cho rằng Bà Lụa là tên của một vị nữ tướng hậu cần đã lập xưởng dệt lụa trên đảo này để cung cấp cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Trài liệu khác giải thích rằng một người Pháp có tầm ảnh hưởng lên chính quyền thuộc địa đã đến khai thác vùng này, và bà vợ người Việt gốc Hoa của ông có tên là Bà Lụa. Giấy tờ, chủ quyền đất đai đều do bà đứng tên, từ đó quần đảo có tên là Bà Lụa. Cũng theo một ý kiến khác cho rằng khoảng năm 1858, một ông quan lớn lấy được một bà vợ có nhan sắc và tính tình hiền hậu. Bà tìm nơi bình yên, lánh xa chốn quan trường và cuối cùng đã dừng chân tại đây. Hàng ngày bà nuôi tằm, dệt lụa và từ đó người ta đặt tên quần đảo theo nghề của bà.
Quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương với tổng diện tích của các hòn gần 5km2. Quần đảo này là đoạn cuối của dãy Tà Lơn (Campuchia) bị sụt lún hướng theo sự vận động của thời kì tạo sơn của dãy Himalaya cách đây nhiều trăm triệu năm. Ngoại trừ hòn Heo 102m (có nguồn ghi 113m) thì các đảo nơi đây có độ cao không quá 100 m.
Biển xung quanh quần đảo Bà Lụa là biển nông, nhiều nơi nước ròng có thể đi được từ đảo này sang đảo khác, nước ngập không quá lưng người lớn. Bãi biển Bà Lụa với toàn sỏi lớn nhỏ với hình dáng là và màu sắc khác nhau. Thuỷ, hải sản ở đây rất phong phú đặc trưng như: cá mú, cá bóp, cá hường... Trên các đảo của quần đảo Bà Lụa có rất nhiều cây thuốc Nam quý hiếm. Ở Hòn Nhum còn có khá nhiều kỳ đà, trăn, rắn, cùng với một số loài chim sống ở rừng và biển, tạo nên sự đa dạng về sinh học. “Lấu lấu” là loài chim lạ, giống như chim hoạ mi, hót vang cả núi rừng khi bình minh ló dạng trên biển...
Quần đảo Bà Lụa có rất nhiều đảo, vì vậy du khách đến đây cần lựa chọn một vài hòn đảo đẹp. Ba Hòn Đầm (gồm Hòn Đầm Dương, hòn Đước, hòn Giếng) là nơi được nhiều người ghé khám phá. Tại đây có bãi tắm đẹp, có rất nhiều loại hải sản tươi ngon như: cá, ghẹ, mực, cua, nhum, ốc... Ngoài ra, đến với Bà Lụa, khách du lịch có thể tham quan Hang Tiền, Hang Tiền là một hang động do đá vôi tạo thành, có chiều dài 150m xuyên qua lòng trái núi theo trục Tây Nam – Đông Bắc. Tên gọi hang Tiền được lý giải bởi các điển tích khác nhau. Có người giải thích: Xưa, Nguyễn Ánh chạy loạn đến đây giấu nhiều tiền của, lại có thuyết cho rằng, đây là nơi đúc tiền của Mạc Thiên Tích. Nếu may mắn nữa, trên hành trình vượt biển, du khách có thể nhìn thấy bầy cá heo còn gọi là “ông Nược” bơi đua, đùa giỡn và nhào lộn theo tầu.
Hiện nay, có 5 lý do khiến quần đảo Bà Lụa trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch Kiên Giang nhiều nhất những năm gần đây: Thứ nhất, cảnh quan trên biển tuyệt đẹp, trông như “Vịnh Hạ Long của miền Nam”. Thứ hai, iải sản cực kì tươi ngon và rẻ. Thứ ba, hòa mình vào thiên nhiên với hoạt động lội biển mò sò ốc. Thứ tư, nước biển trong xanh, tắm rất mát. Thứ năm, chùa Hang, một di tích lịch sử không thể bỏ qua khi du lịch Kiên Giang [Nguyên Đan, 2014].
Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên)
Quần đảo Hải Tặc hay còn gọi là Hà Tiên nằm trong vịnh Thái Lan, phía Tây Bắc là quần đảo Bà Lụa, phía Đông là đảo Phú Quốc, thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thời Pháp, quần đảo này thuộc làng Tiên Hải, tỉnh Hà Tiên. Quần đảo này cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lí (27.5km) và đất liền 7 hải lí (18km) về phía Tây, cách đảo Phú Quốc 16 hải lí (40km) về phía Đông. Quần đảo bao gồm 16 đảo (nguồn khác ghi 14 đảo) nằm gần nhau với độ cao dưới 100m, trong đó hòn Đốc là đảo lớn nhất. Tổng diện tích của quần đảo là 1.100ha, rải ra trên vùng biển rộng 5km và dài 7km. Một số mốc thời gian quan trọng như: Ngày 14 tháng 1 năm 1983, chính quyền Việt Nam lập xã Hoà Đốc thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ngày 27 tháng 9 năm 1983, xã Hoà Đốc đổi tên thành xã Tiên Hải. Ngày 24 tháng 5 năm 1988, xã Tiên Hải chuyển sang thuộc quyền quản lí của huyện Hà Tiên. Ngày 8 tháng 7 năm 1998, xã Tiên Hải trực thuộc thị xã Hà Tiên.
Dấu chân những người đầu tiên đặt lên vùng hoang đảo này là vào những năm 1950. Khi đó, vùng đảo này rất hoang vu, trở thành điểm đến của dân nghèo khắp nơi đến khai hoang lập nghiệp. Mặc dù họ luôn bị ám ảnh bởi cái tên dữ dằn của hòn đảo cướp biển khét tiếng một thời nhưng cái nghèo đã đưa đẩy nhiều người tìm đến vùng hoang đảo. Theo nhà sử học Nam bộ Trương Minh Đạt (chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang) nạn cướp biển đã có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai trị đất Hà Tiên (thế kỷ 17) và còn kéo dài đến thời Pháp thuộc (thế kỷ 18), trong đó nổi tiếng là băng cướp mang tên Cánh Buồm Đen. Do quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng, đồng thời Hà Tiên là một thương cảng sầm uất có rất nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán nên đã được bọ hải tặc chọn làm hang ổ để phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại. Ông Trương Minh Đạt cho rằng, thời điểm hải tặc lộng hành nhất là khi chính quyền của Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Và cái tên đảo Hải Tặc cũng xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp có tổ chức và quy mô lớn. Bọn cướp có thể nhiều quốc tịch khác nhau, chúng  khống chế và gây tội ác với các tàu buôn lớn của Trung Quốc và các nước phương Tây trong khu vực vịnh Hà Tiên – Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan. Ông Trương Minh Đạt còn cho biết, hiện nay trên đảo, nhiều thế hệ con cháu của băng hải tặc khét tiếng này vẫn còn sinh sống.
Để tả về cảnh đẹp của Hà Tiên, đặc biệt là về cảnh đẹp nổi tiếng hòn Phụ Tử, nhà văn Đông Hồ đã viết: “Có một hang sau động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tchs. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải” [Đông Hồ, 1970].
 Hòn Tre
Hòn Tre là một xã đảo thuộc huyện Kiên Hải nằm về phía Tây tỉnh Kiên Giang.  Hòn Tre còn có tên Tecksu và Ile de Toitue, là nơi đặt trụ sở hành chính của huyện Kiên Hải. Hòn Tre có tọa độ địa lý 104025' đến 104040' kinh độ Đông và 9037' đến 9058' độ vĩ Bắc, cách thành phố Rạch Gía về phía Tây 30km. Đảo có tổng diện tích tự nhiên 428.59ha. Trên đảo có hai ngọn núi, ngọn cao phía Nam và ngọn thấp phía Bắc. Hai ngọn núi này tạo cho đảo có hình dáng giống như một con rùa nổi giữa biển nên người dân còn gọi khu vực này là Đảo Rùa – cái tên đậm chất dân gian.
Hòn tre có những khu vực tương đối bằng phẳng với bãi đá tự nhiên trải dài khá hoang sơ, phù hợp cho tổ chức du lịch, dã ngoại như Bãi Chén, Động Dừa, Bãi Dứa (Đuôi Hà Bá), Hòn Đá Bà Già (còn gọi là Đá Bia)... Bãi Chén nằm ở phía Tây Bắc của đảo, có chiều dài 2 km, có rất nhiều tảng đá to nhìn như những chiếc chén (bát) úp nên có tên là Bãi Chén. Đây được coi là bãi đẹp nhất của hòn Tre, cảnh vật còn giữ được những nét hoang sơ, có nhiều cây xanh tạo bóng mát. Truyền thuyết kể rằng, khi tháo chạy quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bỏ lại rất nhiều chén ở nơi này. Cũng có người lý giải, tên gọi Bãi Chén là do vịnh biển này có nhiều hòn đá to tròn giống như cái chén úp nằm khắp nơi. Động Dừa là một vịnh nhỏ với rất nhiều dừa mọc ven biển, có làng chài nên ghe thường ghé về để lấy lương thực, nước ngọt và nghỉ ngơi sau những chuyến đi biển xa, tại đây có một bãi biển đẹp với nhiều ghềnh đá nhấp nhô. Đuôi Hà Bá (Bãi Dứa – nơi có nhiều cây dứa gai) có nhiều cây cổ thụ lớn, du khách ngắm cảnh thiên nhiên, và có thể lặn xuống biển cạy hào bám ở ghềnh đá để thưởng thức. Ngoài ra, du khách đến hòn Tre có thể đến viếng Dinh Ông Nam Hải. Người ta kể rằng có một con cá voi lớn đã bị dạt vào đây. Người dân địa phương tìm cách đưa “ông” trở lại biển nhưng không thành. Ông “lụy” tại đây nên người dân lập dinh thờ, tổ chức cúng bái hằng năm theo nghi thức truyền thống.
Đảo có một khu hệ tôm cá phong phú và đa dạng, với các loại tôm cá nổi tiếng như: Tôm tích, ghẹ cu ly, cá mú sao, cá ngát, hàu, cá bống biển, cá đối, cá mang gà… Khách đến hòn Tre được thưởng thức những món ăn thật hấp dẫn, lạ miệng, chẳng hạn như cồi của một loại hàu có tên là Biện Mai. Con hàu được người dân đảo chế biến thành nhiều kiểu như ăn sống, nấu cháo, lăn bột chiên giòn dùng chung với các loại rau thiên nhiên mọc trên đảo. Dưới lớp cát biển có loại Cà xỉu cũng được người dân đảo chế biến thành nhiều món ăn ngon [Đức Anh, 2006].
Quần đảo Nam Du
Quần đảo Nam Du là một quần đảo nằm về phía đông nam đảo Phú Quốc, trong Vịnh Thái Lan, cách bờ biển Rạch Gía  65 hải lí. Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có nguồn cho rằng tên gọi này đã có từ thời vua Gia Long trong khi nguồn khác cho rằng tên Nam Du xuất phát từ tên Nam Dự nghĩa là đảo phương Nam do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ Nho thời xưa.
Quần đảo nằm dưới sự quản lí của xã An Sơn và xã Nam Du thuộc huyện Kiên Hải. Quần đảo gồm khoảng 21 đảo lớn nhỏ và gồm hai dãy đảo song song theo hướng Bắc – Nam, diện tích khoảng 1.054ha. Đảo lớn nhất là đảo Nam Du có đỉnh cao 309m. Một số đảo thuộc quần đảo Nam Du gồm: Hòn Củ Tron, hòn Lớn, Hòn Cò Lớn, hòn Dâm, hòn Khô, hòn Móng Tay, hòn Mốc, hòn Nhàn, hòn Nồm Trong, hòn Nồm Giữa,, hòn Nồm Ngoài, hòn Ông, hòn Tre, hòn Trung, hòn Bờ Đập, hòn Bỏ Áo, hòn Đụng Lớn, hòn Đụng Nhỏ, hòn Mấu, hòn Ngang… Trong dân gian lưu truyền: “Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập, Bờ Đập tấp lại hòn Lò, Hòn Lò mò đến hòn Ngang, Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng, Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu, Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo, Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông, Hòn Ông dông đến hòn Dâm, Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre, Hòn Tre te đến hòn Mốc, Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn, Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn, Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm, Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô, Hòn Khô vô bãi Chệt, Bãi Chệt lết lên hòn Lớn…”.
Trong 21 hòn/đảo lớn nhỏ có 11 hòn/đảo có cư dân sinh sống, đa số sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Ngoài những hòn đông dân cư như: Hòn Củ Tron, hòn Ngang và hòn Mấu, còn lại là những hòn đảo mang vẻ hoang sơ, có hòn chỉ vài chục hộ dân sinh sống như: Hòn Nồm, hòn Dầu, hòn Đụng… Đảo lớn nhất ở quần đảo là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn (còn gọi là hòn Củ Tron) diện tích 771ha, với nhiều cảnh đẹp như: Bãi Chệt, bãi Cỏ, bãi Ngự, bãi Giếng… tiếp đến là xã Nam Du, với 10 hòn, đảo nhỏ còn hoang sơ và quyến rũ; trong đó, trù phú nhất là hòn Ngang với gần 1.000 hộ dân, kinh tế nơi đây chủ yếu là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Quần đảo Nam Du có rất nhiều loại mực như mực lá, mực nang, mực ống, mực thước, mực tuộc và mực túi. Ngoài ra còn có nhiều loài ốc có giá trị kinh tế cao như ngọc điệp, ngọc nữ, ốc đá, ốc tai tượng, ốc nón, ốc gai… ngoài ra tiềm năng phát triển du lịch tại hòn Mấu, xã Nam Du với nhiều vẻ đẹp hoang sơ chưa được khai thác.
Hòn Mấu là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng với những địa điểm lý tưởng. Hòn Mấu có 05 bãi biển, trong đó bãi Chướng là bãi cát trắng tuyệt đẹp. Ngoài ra còn có 03 bãi thơ mộng khác là bãi Nồm, bãi Đá Đen và bãi Đá Trắng. Bãi Nam là mặt tiền của đảo, nơi đây hầu như sóng yên, gió lặng quanh năm, cũng là nơi giao lưu thương mại, neo đậu tàu thuyền. Khi đến với bãi Chướng xung quanh là hàng dừa xanh mát, bải cát trải dài, nước có màu xanh trong biếc. Trong các bãi biển nơi đây, lý tưởng nhất là bãi Đá Đen có nhiều loại đá đẹp, đa màu sắc, viên đá với nhiều hình hoa văn khác nhau; khi du khách đến đây sẽ đắm mình trong làn nước biển xanh hay nằm dài trên bãi cát còn hoang sơ và thơ mộng.
Các địa danh nổi bật ở quần đảo Nam Du như: Bãi Ngự, giếng Vua (hiếng Gia Long), Củ Tron (An Sơn), hòn Sơn rái… được nhân dân truyền khẩu, cho rằng các địa danh này gắn liền với sự hiện diện của chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn ba, đã 4 lần bị quân Tây Sơn truy bắt. Hòn Củ Tron có một chiều dài lịch sử khá hấp dẫn. Về địa danh Củ Tron, theo các bậc cao niên thì Củ Tron là cách đọc trại âm của củ tròn. Củ tròn là một loại củ rừng mọc hoang trên đảo. Đó chính là củ nần hay dây nần. Tương truyền rằng, xưa khi chạy loạn lẩn tránh quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh có ghé thuyền vào đảo. Quân sĩ mỏi mệt, lương khô mang theo không còn. Đêm, chúa nằm mộng thấy thần linh bảo tìm củ tròn tận trong rưng sâu, núi cao sẽ qua cơn đói khát, tỉnh dậy, chúa cho quân sĩ tìm đào được những của nần có hình tròn tròn, rồi tên đảo là Củ Tròn bắt đầu từ đó. Cũng theo đó, trong cuốn “Hà Tiên địa phương chí” do Portron Klian soạn năm 1929 có ghi: “Cuối cùng phía ngoài khơi và về hướng đảo Phú Quốc, người ta gặp cụm hòn Củ Tron (Poulo Dama), nơi đây có một cái bãi lớn gọi là bãi Ngự, trước kia có thể là nơi trú ẩn của vua Gia Long khi bị quân Tây Sơn Đánh đuổi”. Hòn Củ Tron ngày nay có tên là hòn Lớn, đến đảo ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ mà ít nơi nào có, như món cá xanh xương (cá nhái) nướng bẹ chuối, các loại ốc nhảy, ốc đụn, vọp, hàu sữa... mỗi món ngon đều có những nét riêng độc đáo.
 Đảo Phú Quốc
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam trong quần thể 22 đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan, tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang trải dài từ vĩ độ 9°53’ đến 10°28’ độ vĩ Bắc và kinh độ 103°49’ đến 104°05’ độ kinh Đông. Tên gọi Phú Quốc là do người Hoa đến đây lập nghiệp đặt nên, có nghĩa là “vùng đất giàu có”. Đảo cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Phía Đông Bắc của đảo cách Campuchia 4 hải lý. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567 km² (56.700 ha), dài 49 km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi.
Đảo Phú Quốc có hình tam giác, cạnh đáy nằm ở hướng Bắc, nhỏ dần lại ở phía Nam. Chiều dài lớn nhất của đảo tính theo đường chim bay hướng Bắc – Nam là 49km . Nơi rộng nhất trên đảo theo hướng Đông – Tây nằm ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27km, chu vi của đảo khoảng 130 km. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589.23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Hình dáng đảo giống như một con cá đang bơi, đầu hướng về phương Bắc. Phú Quốc bao gồm 2 thị trấn: Thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Dương Tơ Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh, Thổ Châu. Các khu dân cư chính: Thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới, làng chài Hàm Ninh, làng chài Cửa Cạn, xã đảo Hòn Thơm. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía Tây Bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao  gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến thời điểm tháng 7 năm 2011, có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Phú Quốc, với tổng vốn đầu tư là 48.087 tỷ đồng.
Phú Quốc nổi tiếng với: Nước mắm Phú Quốc, còi biên mai, tiêu Phú Quốc, cá khô Thiều, rượu Sim, nấm Tràm, rượu Mỏ quạ, rượu Hải mã, hải Sản, ngọc trai biển, cá bớp, điều Phú Quốc, cá Trích… Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ (tiêu chín). Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín phơi riêng gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen). Do nhu cầu của thị trường, người dân đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. trong các loại tiêu thì tiêu chín là ngon nhất và đắt tiền nhất. Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc có lịch sử trên 200 năm, từ cuối thể kỷ XIX người dân trên đảo đã bán nước mắm sang Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, nước mắm Phú Quốc chỉ nổi tiếng từ những năm 1950 và đạt cực thịnh vào những năm 1965 – 1975. Nước mắm Phú Quốc không thể nhầm lẫn với các sản phẩm nước mắm khác là màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất riêng, vị mặn, vị ngọt có cả, vị béo của đạm đã tạo mùi vị đặc trưng của nước mắm Phú Quốc. Và chỉ có sản xuất ngay tại trên hòn đảo này, mới cho ra loại nước mắm ngon như thế, dù cùng loại cá cơm, nguồn nước, tay nghề đó nhưng khi mang vào đất liền hoặc vùng biển khác sản xuất, chất lượng kém xa so với sản xuất tại đảo. Năm 2001, Cục Sở hữu Công nghiệp đã công nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc.
Danh lam thắng cảnh – Du lịch:  Phú Quốc được xác định là trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm giao thương tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tại đây có nhiều thắng cảnh đẹp như: Vườn quốc gia Phú Quốc, khu bảo tồn biển Phú Quốc, An Thới, bãi Khem, nhà Lao Cây Dừa, mũi Ông Đội,bãi Vịnh Đầm,bãi Sao, bãi Dài, bãi Xếp Lớn, bãi Xếp Nhỏ, núi Cô Chín, núi Radar, bãi Đất Đỏ, suối Đá Bàn, suối Tranh…
Ngoài ra, Phú Quốc còn nổi tiếng với hệ thống nhà tù Phú Quốc. Nhà tù Phú Quốc được biết đến với cái tên khác là “Nhà Lao Cây Dừa” nằm tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc. Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc có tất cả là 12 khu (năm 1972) được đánh số từ khu 1 đến khu 12. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh (40.000 tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ) với những hình thức tra tấn dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… Trại giam tù binh Phú Quốc được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Mỗi năm khu di tích này đón hàng vạn lượt khách trong nước và nước ngoài tới tham quan. Không ít trong số đó là những tù nhân cũ trở về thăm lại nhà ngục xưa. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Phú Quốc du lịch cũng không quên ghé thăm di tích này để tìm hiểu lịch sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.
Ở Phú Quốc còn có một số cơ sở tôn giáo như: Ngôi chùa có hàng trăm năm tuổi Sùng Hưng, Sùng Đức, Sư Muôn (còn gọi là chùa Hùng Long), nhà thờ An Thới... Phú Quốc được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài, trên đảo có hai Thánh thất Cao Đài ở thị trấn Dương Đông: Một là Thánh thất Dương Đông (thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh), Thánh thất Cao Đài Hội Thánh (thuộc phái Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi).
2.7. Quần đảo Thổ Chu
Quần đảo Thổ Chu là một quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan, ở về phía tây nam đảo Phú Quốc và được xem là ở cực Tây Nam của Việt Nam. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc.Quần đảo Thổ Chu nằm ở địa đầu Tây Nam của nước ta, cách mũi Cà Mau khoảng 160km về phía Tây Bắc, cách thị xã Rạch Giá khoảng 220km, và cách đầu mút phía Nam đảo Phú Quốc  khoảng 100 km về Tây Nam. Những năm thập niên 1980, quần đảo chứng kiến nhiều cuộc tấn công của cướp biển Thái Lan và Campuchia. Trước đây quần đảo Thổ Chu thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau). Tháng 5/1973, chính quyền Sài Gòn lập xã Thổ Châu (bao gồm đảo Thổ Chu và một số đảo lân cận), thuộc quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, đến năm 1974 lại sáp nhập vào quận Phú Quốc. Sau 30/4/1975, giải thể xã Thổ Châu, nhập vào xã An Thới. Ngày 10/5/1975, lực lượng Khmer Đỏ đã xâm chiếm và bắt toàn bộ cư dân trên đảo đưa đi sát hại bằng cách, đàn ông thì bị chặt đầu, đàn bà thì bị dùng sắt nhọn đâm xuyên từ cửa mình lên bụng. Từ 23 đến 25/5/1975, bộ đội Việt Nam tiến công giải phóng Thổ Chu và các đảo lân cận. Đến đầu năm 1990, tỉnh Kiên Giang tổ chức di dân ra đảo Thổ Chu lập nghiệp. Ngày 24/4/1994, tái lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đảo Thổ Chu (Thổ Châu) là đảo lớn nhất trong quần đảo và thường được ghi tên là Poulo Panjang (gốc từ tiếng Mã Lai Pulau Panjang, nghĩa là “cù lao dài” hoặc “đảo dài”) trên nhiều hải đồ của người phương Tây từ các thế kỷ trước.
Quần đảo Thổ Chu gồm 8 đảo là đảo Thổ Chu (13.95 km²), hòn Tử (khoảng 1 km²), hòn Cao Cát, hòn Hàng (còn có tên là Hòn Chim, Hòn Nhạn), hòn Khô (khoảng 15 m²), hòn Mô (còn gọi là Hòn Cái Bàn), hòn Kèo Ngựa (còn gọi là Hòn Xanh) và hòn Cao. Trong số này, hòn Nhạn là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 2.000 m². Quần đảo được cấu tạo chủ yếu bằng sa thạch, cát vàng, đất đai màu mỡ, trong lòng đất và dưới đáy biển của quần đảo có một trầm tích chứa dầu mỏ và khí đốt nằm kéo dài từ mũi Cà mau đến quần đảo Thổ Chu, chiều dài trên 150km, bề dày trên 5km. Từ lâu, quần đảo Thổ Chu là một ngư trường đánh cá sầm uất ở miền Nam.
Theo các nhà khoa học, quần đảo Thổ Chu có hệ thực vật trên bờ có ít nhất 200 loài; dưới biển hiện có 99 loài san hô đã được xác định, vùng biển này trong lành, không bị tác động nhiều và có nhiều rạn san hô rất thích hợp để làm tổ và săn tìm thức ăn của các loài rùa biển vốn đang bị đe dọa trên toàn cầu, do đó quần đảo Thổ Chu được đề xuất làm khu bảo tồn biển với tổng diện tích 22.400 ha, trong đó, phần đất liền khoảng gần 1.200ha.
Một không gian trong lành bao trùm lên đảo bởi một màu xanh rừng nguyên sinh ôm lấy từng mảng đất, ngọn đồi của đảo. Thiên nhiên ở đây tự nhiên đến hoang sơ, bờ cát trắng mịn trải dài ở Bãi Ngự, bãi chính của đảo. Bãi Ngự là một vùng biển nằm ở phía Tây Bắc đảo Thổ Chu, do có núi bao quanh nên tạo thành hình chữ U chắn gió rất an toàn cho tàu neo đậu. Tương truyền, xưa kia nơi đây là bãi neo đậu tránh sóng của đoàn thuyền chúa Nguyễn trên đường tháo chạy đã tạm ẩn trú nơi này. Về sau, dân gian gọi là Bãi Ngự và truyền khẩu cho đến ngày nay... Mùa gió nồm từ hướng Đông Nam thổi đến, các tàu thuyền đỗ trong vũng Bãi Ngự. Mùa gió chướng từ Tây Nam thổi về thì tàu thuyền lại chuyển sang đậu ở bãi Dinh hoặc bãi Vòng. Vì thế các quán bán hàng ăn, nhu yếu phẩm cũng di chuyển theo nơi tàu thuyền đậu.
Đỉnh cao nhất của đảo khoảng 167m, nhưng hải đăng được đặt ở đỉnh cao thứ hai của đảo, khoảng 150 m so với mặt nước biển được xây dựng vào ngày 25/01/2000, từ vị trí này, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ quần đảo Thổ Chu. Nếu được đưa mắt vào kính viễn vọng, khách nhìn thấy được những tàu hàng hải quốc tế, mà mắt thường chỉ thấy được một chấm nhỏ trên vùng biển mênh mông. Dân cư tập trung ở Bãi Ngự và Bãi Dong, phần còn lại là doanh trại quân đội và hải quân.
Mang nét đẹp của bãi biển hoang sơ, hàng dừa êm ả soi bóng và nụ cười thân thiện của ngư dân, nhưng hiện nay, chưa có một doanh nghiệp lữ hành nào tổ chức tour đến đây. Vì thế, những người yêu thiên nhiên chỉ có thể đến đây ngao sơn ngoạn thủy bằng những chuyến du lịch bụi.
 Hòn Sơn Rái
Hòn Sơn tên chữ là Lại Sơn, một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, trước đây có tên là Tanasou. Tuy nhiên, người dân vẫn thường hay gọi đảo giản dị là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái. Ngay từ cái tên của đảo đã có nhiều truyền thuyết. Có người nói, Hòn Rái có tên do trên đảo xưa có nhiều cây dầu rái, loại cây cho nhựa để xảm thuyền và quét lên vỏ thuyền chống nước biển ăn mòn. Nhưng không ai biết loài cây ấy bây giờ ở đâu. Cũng có người cho rằng có tên như vậy là do đảo trước kia có nhiều rái cá sinh sống. Còn các cụ già thì kể vào khoảng năm 1777, lúc chạy trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đến Hòn Sơn lánh nạn. Lúc ấy, có một con rái cá khổng lồ đã bắt rất nhiều tôm cá dâng cho ông. Tại mặt nam bãi Nhà với độ cao 300 mét, còn tảng đá có bài thơ tương truyền của Nguyễn Ánh để lại càng làm cho câu chuyện thuyết phục hơn. Không ai biết đích xác chuyện nào là thật, chuyện nào là hư cấu nhưng người dân và khách phương xa đến đây vẫn tiếp thu tất cả, ghi nhớ tất cả để kể lại cho nhau, để tò mò và bị cuốn hút nhiều hơn. Sách “Gia Định thành thông chí” chép: “Đảo này được gọi là Mãnh Hỏa dự (Hòn Dầu Rái), chu vi 50 dặm, ở biển phía Đông Nam của trấn thự, đi thuyền nửa nghày thì đến. Nơi đây hang hốc sâu thẳm, cây cối xanh tươi, sản xuất các loại yến sào, dầu rái, than củi. Dân miền biển sống quanh chân đảo”.
Hòn Sơn nhìn từ xa như một quả núi khổng lồ, nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60 km. Đảo rộng 11.5km2 – là đảo lớn nhất trong các đảo ven bờ của Kiêng Giang, chiều dài đảo 4km, rộng 3km, hình dạng như một con thoi với hai đầu nhọn.
Đến Hòn Sơn, du khách mới thấy hết cảnh sắc nên thơ, sự kết hợp hài hòa giữa biển – đảo với những giá trị nhân văn gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi trập trùng sóng nước. Hòn Sơn có 4 bãi biển đẹp: Bãi Giếng, bãi Bấc, bãi Bàng (có dòng suối Tiên từ Ma Thiên Lãnh đổ xuống trong vắt), bãi Nhà và bãi Thiên Tuế và các di tích văn hóa lịch sử như: Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân, Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, chùa Hải Sơn... Ngoài ra, Hòn Sơn còn nổi tiếng với ngọn núi Ma Thiên Lãnh. Trên đảo có 7 đỉnh núi, nhưng Ma Thiên Lãnh nổi tiếng hơn cả. Không chỉ cao nhất đảo với độ cao 450m so với mặt nước biển, nó còn khoác trên mình chiếc áo đầy màu sắc liêu trai, kì bí qua nhiều câu chuyện được truyền tụng từ rất lâu mà chỉ khi nghe kể trên đường đi mới cảm nhận hết cái hay, cái thú vị. Theo dân đảo, thỉnh thoảng có những tu sĩ theo thuyết khổ hạnh và những người buồn tình sầu đời lên đây tu thiền. Họ thường ẩn cư trong hang, nơi có cái tên đậm màu sắc kiếm hiệp “Mai Dương Kiếm Pháp”. Cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện hư hư thực thực [Tây Phương, 2013]. Trong hang hiện nay còn có một số vật dụng sinh hoạt: giường, bàn, ghế, giá sách… làm hoàn toàn bằng cây rừng. Có truyền thuyết kể lại rằng Ma Thiên Lãnh cảnh đẹp như mơ, xưa kia các nàng tiên vì thế mà thường hạ giới xuống đây chơi đùa rồi lại tiếc nuối bay về trời. Minh chứng cho lời kể là “Sân Tiên”, đây cũng là nơi các “đạo sĩ, dị nhân” thường thiền tịnh. Khi rời đi, họ còn để lại tên tuổi, năm tu trên những tảng đá để người đời sau biết đến [Tạ Ban, 2013].
Đến với Hòn Sơn, ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, du khách còn được thưởng thức nhiều loại trái cây ngon ngọt như xoài, mít, đu đủ, đặc biệt là nước dừa tươi; các món ăn dân dã, những món ngon từ biển như sò, ốc nướng, cá ba thú chiên tươi, mực nướng, cá rìa canh chua, gỏi cá trích cuốn bánh tráng, chấm nước mắm chánh hiệu Hòn Sơn, một trong những đặc sản nổi tiếng mà nhiều người đã ca tụng:
“Nước mắm hòn dầm con cá bẹ
Bởi mê nước mắm hòn, em trốn mẹ theo anh”
Câu ca dao trên nêu lên tính chất độc đáo của loại nước mắm hòn có nguồn gốc chính hiệu ở hòn Sơn Rái. Vào đầu thế kỷ XX, hòn Sơn Rái là nơi sản xuất nhiều loại nước mắm có tiếng thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn toàn không thua kém nước mắm Phú Quốc. Đã có nhiều thương nhân vận chuyển nước mắm đi bán ở Cần Vọt (Kampot, Campuchia) và các nơi trong nước. Cơ sở sản xuất nước mắm hòn Sơn Rái có tiếng lâu đời nhất là Đức Ngươn. Khách du lịch, đặc biệt là Tây ba lô, mỗi lần đến thăm hòn Sơn Rái đều yêu cầu được tham quan các cơ sở làm nước mắm. Tại đây, nhiều người dùng ngay nước mắm chấm với các món ăn như tôm, ghẹ luộc, mực hấp gừng một cách ngon lành [Nguyễn Hà Phương, 2008].
 Đảo Thổ Chu
Thổ Chu (dân địa phương quen gọi là Thổ Châu) là đảo lớn nhất trong quần đảo Thổ Chu và là trung tâm hành chính của xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tên Thổ Chu có từ thời Gia Long, còn trước đó ngư dân Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên và các hải đồ của người phương Tây thường gọi đảo này là Poulo Panjang (đảo dài). Đảo nằm ở vĩ độ 9°17’ Bắc và kinh độ 103°28’ Đông với đỉnh núi cao nhất là 168m. Đảo Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc và thành phố Rạch Giá lần lượt là 55 hải lí (102 km) và 220 km về phía Tây Nam và cách mũi Cà Mau 85 hải lí (157 km) về phía Tây Bắc. Trên đảo có bốn bãi biển là bãi Ngự, bãi Dong, bãi Mun và bãi Nhất, trong đó bãi Ngự và bãi Dong là lớn hơn cả.
Từ thế kỉ XVIII, đảo Thổ Chu đã có người Việt đến lưu trú, chủ yếu họ làm nghề đánh bắt, và sở dĩ trên đảo có địa danh bãi Ngự là vì đây là nơi chúa Nguyễn Ánh thường ra ngắm cảnh và bàn việc quân sự. Trong hành trình trốn quân Tây Sơn, ít nhất đã ba lần chúa đến đây: Lần thứ nhất (1777) Nguyễn Ánh ra đây khi mới khoảng 16 tuổi. Lần thứ hai (1782), Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc tại bãi Ngự. Lần thứ ba (tháng 2 năm Ất Tỵ-1785), tướng Phan Tiếp Phận của Tây Sơn truy kích Nguyễn Ánh tại đây. Một sự kiện khác là năm 1872, sau khi khởi nghĩa chống thực dân Pháp thất bại thì anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự cũng có thời gian trốn trên đảo. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Đảo này làm viễn án cho hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên, có một tên nữa là đảo Sạn Trúc, chu vi độ 100 dặm, cây cối rườm rà, hanh động u ảo, sản xuất yến sào, đồi mồi, ba ba, hải sâm, cũng có nhân dân ở đấy. Lúc đầu Trung Hưng, Thái tổ Cao hoàng đế thường ngự thuyền đến”.
Năm 1995, tại xã Thổ Chu, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học đã khai quật tại bãi Ngự và bãi Vông, thu được 152 hiện vật gồm các loại mảnh gốm, mảnh tước, công cụ mảnh đá, khuôn đúc, một số phế phẩm của quá trình chế tác đá; các di vật bằng vỏ ốc, lõi vòng bằng vỏ ốc, trang sức và các phế liệu của quá trình chế tác. Các hiện vật tìm thấy ở đây cùng loại vứi các hiện vật ở xóm Cồn (Khánh Hòa). Tại bãi Vòng, các hiện vật được phát hiện cùng thời với Văn hóa Sa Huỳnh trên dưới 3000 năm [Đại học Sài Gòn, 2009].
Đảo Thổ Chu có môi trường thiên nhiên tươi đẹp với những rạn san hô mật độ cao, bãi cát trắng mịn ven đảo và những cánh rừng hoang sơ bên trong. Người ta thống kê được 99 loài san hô với ưu thế thuộc về hai chi là Montipora và Acropora thuộc họ san hô lỗ đỉnh. Cùng với thảm cỏ biển, rạn san hô là nơi sinh sống của các loài rùa biển. Khu hệ thực vật có khoảng hai trăm loài, chủ yếu là họ Bứa, họ Đậu và họ Hồng xiêm. Về động vật, có các loài như sóc, khỉ, trăn, rắn… Trên đảo còn có loài đặc hữu là thằn lằn chân ngón Thổ Chu (Cyrtodactylus thochuensis).
Theo quyết định 18/2009/QĐ–TTg của thủ tướng chính phủ thì đảo Thổ Chu được quy hoạch để trở thành trung tâm dịch vụ ngư nghiệp lớn của cả vùng.
 
 
BẠN MUỐN ĐƯỢC TƯ VẤN ĐỂ TỪ CÁC TÀI  NGUYÊN NÀY , BIẾN THÀNH TÀI SẢN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ. HÃY LIÊN HỆ
 Tiến Sĩ MỘC QUẾ
SĐT : 0903704146
EMAIL  : [email protected]
Website : nhatuvanmocque.com
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin tiêu điểm

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới hội đàm với SMU

Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới hội đàm với SMU: 

Bộ đếm

  • Phút online: 1.605
  • Tổng lượt truy cập: 26.974.345

Quảng cáo

Liên kết website