Trước đấy, Chùa chỉ là một cái am nhỏ vì Ngài cất lên để ẩn tu nên có tên là Ðộc Giác. Sau do nhu cầu tín ngưỡng cộng thêm tâm Bồ Ðề dõng phát, Ngài đã kiến tạo một cách quy mô hơn. Từ đấy, Chùa được đổi tên là Viên Giác, có ý nghĩa là sự giác ngộ tròn đầy (tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn). Sau khi Ngài viên tịch, vì không có người kế thế nên những người thân tín tạm lo việc hương khói và thờ cúng. Mãi đến năm 1976, Chùa mới thỉnh Thượng tọa Thích Minh Phát về điều hành Phật sự.
Vừa bước vào cổng tam quan, cảnh trí đầu tiên hiện ra là một ngôi chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ Sơn, có mái cong trung hòa vào nét góc, cung tròn tạo thành những đường lượn mềm mại nhẹ nhàng uyển chuyển làm lộ rõ dáng kiến trúc xây dựng truyền thống. Tuy được phối hợp với những nét kiến trúc Á Ðông và kỹ thuật hiện đại, nhưng Chùa trông rất cổ kính và uy nghiêm, nào kèo cột chồng diêm, nào rui mè đỡ mái, kết cấu giống như kiểu nhà rường Việt Nam.
Năm 1996, chùa khởi công xây dựng tháp Đẳng Quan, khánh thành tháng 4/1999. Tháp hình bát giác, cao 22m, 3 tầng 7 mái. Tầng nền có họa tiết hoa sen cách điệu trên nền men trắng.
Tầng 1, bên ngoài khắc hình thập bát la hán, mỗi vị la hán trên một miếng gạch sứ. 4 cửa chung quanh chạm 8 vị thần Kim Cang trên nền gỗ; bên trong, chính giữa tôn tượng cố Thượng tọa Thích Minh Phát. Trang trí hoa văn và đắp nổi những bức tranh chủ đề Phật giáo.
Tầng 2, bên ngoài theo dạng hoa sen cách điệu màu vàng, cẩn các vị bồ tát trên từng viên gạch. 4 mặt có 4 ô cửa nhỏ khắc các chữ Lưu ly bảo tháp. Mái làm theo hình cá chép hóa rồng. Bên trong thờ xá lợi Phật.
Tầng 3, đế là hình hoa sen vàng cách điệu, chung quanh khắc hình Phật Thích Ca, Dược Sư, Đa Bảo. 4 ô cửa sổ chạm 4 chữ A Di Đà Phật. Bên trong treo 1 quả đại hồng chung nặng 750kg, thờ tượng Địa Tạng, Bồ Tát và khắc bài kệ Kiến Tánh trong kinh Lăng Nghiêm.
Đỉnh tháp là 3 tầng mái có hình bát úp trên hoa sen phía trên là 7 tầng nhỏ tượng trưng 7 cõi trời. Riêng tầng hầm của tháp phụng thờ tro cốt và vật lưu niệm của các vị trụ trì trước đây.
Ảnh Võ Văn Tường
Nét độc đáo và đặc biệt của ngôi tháp này là sử dụng hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở trong hệ thống gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.
Chùa Viên Giác tọa lạc tại 193 Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có tháp bằng gốm cao nhất Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc