Năm 1932 (năm Nhâm Thân) chùa được trùng tu có mái ngói tường vôi. Nhờ công Hòa thượng Đạo Hạ Thanh bốc thuốc giúp dân nên thu hút được nhiều người đến học. Trong hai cuộc chiến, chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam, một số người lính cộng sản đã hoạt động bí mật trong chùa. Nơi đây có căn hầm bí mật được xây dựng từ năm 1945 để nuôi giấu cán bộ cách mạng, có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền thần từ những ngày đại tang của đất nước. Đặc biệt nơi đây có ngôi mộ của nhà sư - chiến sĩ Thiện Chiếu và còn có nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ Quyết tử biệt động thuộc đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khuôn viên chùa Pháp Hoa đặt trang trọng bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá granite. Bộ kinh gần 70.000 chữ Việt ngữ được sắp xếp bố cục hài hòa, chữ màu trắng khắc trên nền đen của đá granit. Để thực hiện bộ kinh trên đá này, nhóm Phật tử đã đặt mua 70m vuông đá granite đen khổ lớn từ Ấn Độ và gần 40 tấn đá trắng vân mây tại Thanh Hóa.
Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng được đức Phật giảng trong 8 năm. Kinh Pháp Hoa được tôn thờ quý kính, hành trì và phổ biến một cách sâu rộng. Ở Việt Nam, kinh Pháp Hoa được trì tụng hàng ngày như một khóa tu học kể cả chư Tăng lẫn Phật tử tại gia.
Tại Lễ tạ Tam bảo và hoàn thành Bộ thạch kinh Di giáo, HT.Thích Như Niệm đã nêu lên ý nghĩa của Bộ kinh Di giáo – lời dạy cuối cùng trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn dành cho người xuất gia. Hòa thượng cũng bày tỏ, bản thân có những trải nghiệm và duyên lành gắn với Kinh Di giáo nên có ý nguyện thực hiện Bộ thạch kinh Di giáo để lưu truyền, phổ biến lời Phật dạy.
- Ngôi chùa có bình gốm nhiều nhất Việt Nam;
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá đầu tiên tại Việt Nam;
- Bộ Thạch kinh Di giáo đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2015, Chùa Pháp Hoa được Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét duyệt di tích Thành phố Hồ Chí Minh công nhận di tích lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc