Dưới thời thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Đến năm 1873, Thiền sư Minh Khiêm trụ trì, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số kinh sách Phật giáo.
Chính điện Tổ đình Giác Lâm với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột to hơn vòng tay ôm màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu....
Trong chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc. Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng Mười Tám Vị La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Sư Đạt Ma, tượng Long Vương, v.v...
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đặc biệt, chùa sử dụng một số lượng 7.454 đĩa kiểu trang trí cẩn dọc theo hai mặt tường của Tây đường, chánh điện, tháp tổ… Trong số này, số đĩa kiểu trang trí nơi tháp tổ Hồng Hưng là 1.120. Loại đĩa kiểu trang trí này được làm ra tại các cơ sớ gốm tại Lái Thiêu (Bình Dương), ngoài ra, một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản. Những đĩa kiểu trang trí được gắn trong khuôn viên chùa vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20.
Chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thông tin) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Chùa Giác Lâm tọa lạc tại 118 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh hiện sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc