Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/11/2010 23:46 - Người đăng bài viết: admin
Người dân đi bầu đại biểu Quốc hội - Ảnh: D.Đ.M

Người dân đi bầu đại biểu Quốc hội - Ảnh: D.Đ.M

GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), bày tỏ quan điểm cùng PV Thanh Niên xoay quanh việc cần làm gì để có thể xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân như nội dung dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội Đảng XI.

Theo GS-TS Hạnh, một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền chính là thượng tôn pháp luật, pháp luật phải được tuân thủ và trở thành công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước pháp quyền. Nhưng nếu xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân như định hướng mà chúng ta đặt ra thì cần phải tập trung những việc gì?

* Thưa ông, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) trình Đại hội XI nêu rất rõ quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhưng để thực hiện được quyết tâm này, chúng ta cần phải khắc phục những bất cập gì trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền thời gian qua?

 

GS-TS Lê Hồng Hạnh - Ảnh: Bình Minh

- Do dân là phải từ dân lập ra và tốt nhất là trực tiếp lập ra. Của dân phải là thực sự do dân làm chủ, giám sát và kiểm soát, còn vì dân là toàn bộ hệ thống nhà nước đó phải hoạt động mang lại những giá trị thực sự cho dân và đáp ứng ngày càng cao sự mong đợi của nhân dân. 

Chưa thể coi là Nhà nước pháp quyền thực sự khi mà trong quá trình hình thành bộ máy Nhà nước, dân chưa được quyền lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước một cách đúng nghĩa. Lấy ví dụ việc bầu cử, có khi dân thậm chí không biết rõ người mình bầu, vì một số người được đề cử từ nơi khác đến; rồi cứ phải cơ chế hiệp thương, lựa chọn qua những người đại diện, các khâu sàng lọc khác nhau. Chính vì thế, việc dân khi bầu cán bộ vào các cơ quan dân cử qua lá phiếu là chưa thật chính xác.

Thứ hai, khi Nhà nước của dân thì những viên chức nào, hoặc cơ quan nào làm không được việc thì dân phải có quyền bãi chức, bãi nhiệm. Nhà nước của dân thì viên chức nhà nước làm gì, cơ quan nhà nước làm gì dân phải biết, phải kiểm soát được. Vì vậy, nếu nói Nhà nước của dân thì phải thực sự để dân giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm. Vấn đề này trong Cương lĩnh, trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu. Điều quan trọng là tới đây, những văn bản pháp luật sắp ban hành, kể cả trong Hiến pháp sửa đổi, chúng ta phải quy định làm sao để đảm bảo được quyền của dân trực tiếp lựa chọn những đại biểu mà họ cho là xứng đáng, và những đại biểu đó phải thực sự gắn với dân.

* Vậy theo ông, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đúng như Cương lĩnh đặt ra, cần phải chú trọng đến các vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, phải sửa bất cập từ quá trình xây dựng pháp luật, phải làm cho pháp luật phù hợp với nhu cầu cuộc sống của nhân dân chứ không phải chỉ thuận lợi cho việc quản lý. Trong thực thi pháp luật phải đảm bảo công bằng; quy định rõ dân được quyền làm gì, quan chức được làm gì, quan làm sai thì sẽ xử như thế nào, phải rất cụ thể như Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông đã từng quy định.

Đặc biệt, phải tăng cường vai trò giám sát mà giám sát tốt nhất, hiệu quả nhất là giám sát từ dân. Mà muốn nhân dân giám sát được thì phải minh bạch trong tổ chức hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Cụ thể dân có quyền được biết ngân sách, thu nhập của địa phương được chi tiêu như thế nào; được biết những người lãnh đạo của mình thu nhập bao nhiêu, thu nhập đó có chính đáng hay không? Dân phải biết quy trình thủ tục liên quan đáp ứng những yêu cầu của người dân mà pháp luật quy định phải được công khai. Minh bạch không chỉ đồng nghĩa với công bố quy trình, thủ tục mà đòi hỏi các quy trình đó phải rõ ràng, dễ hiểu và thuận lợi cho dân để dân có điều kiện làm tốt vai trò giám sát.

Cái gì không thuộc bí mật quốc gia mà thuộc điều hành của Nhà nước thì dân phải biết và dân muốn hỏi thì được trả lời. Viên chức thực thi nhiệm vụ đó phải trả lời dân. Dân cần biết được người nào làm tốt, người nào làm không tốt. Cần có những tiêu chí đánh giá viên chức nào làm được việc, viên chức nào không làm được việc. Từ đó dân mới đủ cơ sở quyết định được vấn đề.

Tôi cho rằng, để có Nhà nước pháp quyền thì bên cạnh quyết tâm chính trị rất lớn từ phía Đảng, Nhà nước, cần có sự đồng thuận, ủng hộ, đồng thời cả sự đấu tranh tích cực của quần chúng đối với những sai trái trong bộ máy Nhà nước.

Nguyệt Minh (thực hiện)

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Chợ Bình ĐiềnChợ Bình Điền Lớp Bồi Dưỡng Văn Hóa - Doanh Nghiệp Năm 2012

http://www.binhdienmarket.com.vn/tin-tuc/tin-tuc-noi-bo/439-van-hoa-doanh-nghiep.html

Bộ đếm

  • Phút online: 1.604
  • Tổng lượt truy cập: 26.974.617

Quảng cáo

Liên kết website