Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường

Đăng lúc: Thứ hai - 15/11/2010 00:15 - Người đăng bài viết: admin
Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường

Trong Chiến lược phát triển kinh tế 2011 - 2020, một số mục tiêu về môi trường cần phải xem xét lại vì có khả năng không phù hợp thực tế. Cụ thể như mục tiêu đặt ra là trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các đô thị loại 4 trở lên, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều rất khó thực hiện.

Trên thực tế, chỉ riêng tại TPHCM, tổng lượng nước thải đô thị được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng lượng nước thải phát sinh. Còn hiện tại, phần lớn các đô thị loại 1, 2 đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đó là chưa kể các đô thị loại 3, loại 4, các thị trấn huyện, các cụm dân cư tập trung nếu đòi hỏi phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung là chuyện xa vời.
 

Bạn trẻ phát tờ rơi kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm của doanh nghiệp xanh. Ảnh: Kim Ngân

Mục tiêu 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng rất khó hoàn thành.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nếu không sẽ bị phạt nặng hoặc bị buộc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, mới chỉ có khoảng 10% - 15% doanh nghiệp (DN) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định và khoảng dưới 10% DN đầu tư xử lý khí thải. Đó là chưa kể nhiều địa phương chưa hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đủ để tạo điều kiện cho DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đơn cử như tại TPHCM, trung bình mỗi ngày môi trường tiếp nhận khoảng 300 tấn chất thải nguy hại nhưng công suất xử lý chỉ khoảng 30 - 40 tấn/ngày. Kết quả là các DN không biết đổ chất thải nguy hại đi đâu. Tình trạng này còn diễn biến phức tạp hơn tại nhiều tỉnh thành khác, nhất là những tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp tập trung như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…

Để khắc phục những nhược điểm trên, củng cố mục tiêu bảo vệ môi trường như chiến lược đã đặt ra, các cơ quan chức năng phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ và khả thi. Trong đó, tập trung mạnh vào các điểm chính yếu như nâng cao nhận thức DN, cộng đồng; ban hành chính sách, quy định quản lý phù hợp với thực tế; có chính sách kích cầu thị trường xanh và chính sách vốn.

Nâng cao nhận thức là điểm mấu chốt nhất xuyên suốt mọi hoạt động. Chỉ khi nào nhận thức của DN và cộng đồng nâng cao, tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, vấn đề phát triển bền vững mới được thực hiện và duy trì. Chính sách cũng phải phù hợp với thực tế vì thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt với hành vi vi phạm môi trường.

Tuy nhiên, để buộc các DN thay đổi cách thức sản xuất của mình thì không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện được. Do đó, cần xây dựng cho DN lộ trình để tự chuyển đổi mình, phù hợp với xu thế phát triển mới trên thế giới - phát triển kinh tế xanh.

Chính sách về vốn và kích cầu thị trường cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo duy trì phát triển bền vững. Hiện “DN xanh” thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đang chịu thiệt thòi do giá thành sản xuất cao hơn “DN đen” có cùng sản phẩm nhưng không đầu tư cho bảo vệ môi trường.

“DN xanh” đang thực sự mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, để giảm khoảng cách chênh lệch này, nhà nước cần áp dụng các chính sách hỗ trợ về lãi suất, xuất khẩu, thị trường tiêu thụ. Quan trọng nhất là kích cầu nhu cầu tiêu dùng xanh, khuyến khích cộng đồng hướng vào việc tiêu thụ sản phẩm xanh, tẩy chay sản phẩm của các “DN đen” để gây áp lực, buộc DN phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. 

PGS PHÙNG CHÍ SỸ
(Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

KÍCH HOẠT LIÊN KẾT 4 NHÀ

Về phía Nhà nước, tại buổi tọa đàm truyền hình online trực tiếp tại Báo Bình Dương, ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, nơi có đến hơn 80%diện tích đất nông nghiệp, cho biết: "Hiện chúng tôi đang tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển mô hình...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.609
  • Tổng lượt truy cập: 26.973.651

Quảng cáo

Liên kết website