Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Ngộ độc vì thiếu hiểu biết

Đăng lúc: Thứ hai - 15/11/2010 00:06 - Người đăng bài viết: admin
Ngộ độc vì thiếu hiểu biết

Ngộ độc vì thiếu hiểu biết

PN - Củ dền, khoai mì, măng tre… là những thực phẩm không lạ trong bữa ăn của người Việt và từng được khuyến cáo nhiều về khả năng gây ngộ độc, nhưng mỗi năm, hai BV Nhi Đồng của TP.HCM vẫn tiếp nhận không ít trẻ bị ngộ độc do các loại thực phẩm này gây ra, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Nguyên nhân là do người lớn không biết cách chế biến.

Ngộ độc củ dền

Mới đây, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng I TP.HCM tiếp nhận bé trai Ng.T.Đ., 16 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân. Trước đó ba ngày, bé Đ. ăn củ dền rồi bị tím môi, đầu chi tím, bứt rứt không chịu ngủ, thở càng lúc càng khó. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện nhịp tim nhanh, nồng độ methemoglobin trong máu cao gấp sáu lần bình thường. Được hỗ trợ thở oxy và điều trị tích cực, cháu Đ. đã qua cơn nguy kịch.

BS Bạch Văn Cam - cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng I TP.HCM, khuyến cáo, BV từng tiếp nhận một bệnh nhi bị tử vong do ăn củ dền vì trong củ dền có chứa nitrite với hàm lượng lớn - một chất oxy hóa rất mạnh. Nếu cho trẻ ăn củ dền trong thời gian dài hoặc ăn với số lượng lớn, chất này vào cơ thể sẽ khiến hồng cầu không vận chuyển được oxy đến các bộ phận khác của cơ thể, khiến trẻ tím tái, khó thở, nhất là trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu, khả năng phản vệ của cơ thể không có. Thế nhưng, nhiều bà mẹ vẫn cho con ăn củ dền vì nghĩ màu đỏ sẽ bổ máu. Nhiều trẻ sơ sinh nhập viện chỉ do người nhà luộc củ dền lấy nước pha với sữa cho trẻ uống. Người lớn ăn củ dền khó xảy ra ngộ độc vì còn ăn nhiều loại thực phẩm khác và hệ miễn dịch của cơ thể đã hoàn thiện.

BV Nhi Đồng II TP.HCM đang cấp cứu cho một bệnh nhi bị ngộ độc

Cũng theo BS Cam, trong các loại rau củ quả thì củ dền chứa hàm lượng nitrite nhiều nhất. Nitrite còn có khả năng ứ đọng trong nước giếng, nơi có nhiều chất hữu cơ, lá cây phân hủy. Do đó, gia đình nào sử dụng nước giếng nên mang mẫu nước đến Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm xem nồng độ nitrite có cao hay không.

Cẩn thận với củ sắn bị sượng

Trong củ mì cao sản - củ sắn (loại các nhà máy dùng chế biến bột ngọt) chứa rất nhiều chất cyanide. Khi tích tụ nhiều trong cơ thể, chất này sẽ không cho các tế bào “nhận” oxy từ hồng cầu chuyển tới, gây ra hiện tượng khó thở, thở nặng hoặc ngưng thở. BV Nhi Đồng I TP.HCM từng tiếp nhận nhiều trẻ bị ngộ độc khoai mì cao sản. Điển hình là bé Ng.V.C. (ngụ Đức Hòa, Long An), sau khi ăn ba củ mì cao sản đã nhập viện trong tình trạng hôn mê, ói mửa, mệt, đau bụng, lơ mơ. Phải sau sáu giờ điều trị, bệnh nhi mới bắt đầu tự thở được. Người nhà kể, khi nấu khoai mì cao sản, đã không lột hết vỏ hồng, không ngâm nước mà đem luộc ngay, không mở nắp nồi khi luộc.

Để đề phòng ngộ độc khoai mì, BS Cam hướng dẫn: “Khoai mì có hai loại: khoai mì lương thực là khoai mì thường ăn, có vị ngọt, ruột màu trắng nhưng vỏ lại có màu nâu đỏ. Độc tố thường tích tụ ở vỏ và đầu củ khoai, nên ngộ độc thường do chế biến không đúng. Chất cyanide tan trong nước, lẽ ra phải lột vỏ, cắt hai đầu, ngâm vào nước lạnh từ 30 - 60 phút. Loại thứ hai là khoai mì cao sản làm nguyên liệu cho công nghiệp, ruột trắng, vỏ cũng màu trắng, thì chứa độc tố ở cả củ mì, thường có vị nhẫn, nấu rất dễ bị sượng, đắng. Loại khoai mì này chứa hàm lượng độc chất cao, dù có ngâm nước vẫn dễ gây ngộ độc nếu ăn phải. Tốt nhất là không được ăn mì cao sản. Khi mua khoai mì nấu sẵn, nên chọn củ mì nở bung ra, không chọn củ mì dai, sượng, đắng".

Măng tươi: Phải ngâm, luộc thật kỹ

Măng tươi cũng chứa độc chất cyanide nên măng sống phải bào ra, ngâm trong nước, trước khi chế biến măng phải luộc bỏ nước. Nước ngâm măng thường đắng, càng đắng càng độc. Đó là lý do tại sao y học cảnh báo “ăn măng đau lưng”. PGS-TS-BS Đoàn Thị Ngọc Diệp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng II TP.HCM, khuyến cáo: “Măng tươi không luộc hoặc không được ngâm rửa kỹ, có thể khiến trẻ yếu liệt chân tay, thậm chí co giật hôn mê vì ngộ độc chất cyanide”.

Các thực phẩm có màu tự nhiên, đặc biệt là màu đỏ tạo ra vitamine A, thường được các phụ huynh cho con ăn nhiều vì nghĩ vitamine A giúp trẻ sáng mắt, ăn nhiều sẽ có lợi cho trẻ. Tuy nhiên, BS Ngọc Diệp cảnh báo: “Dư chất carotene - tiền chất của vitamine A (có nhiều trong cà rốt) sẽ gây ra vàng da, nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, mệt mỏi, khó tiêu. Do đây là bệnh lành tính nên chỉ cần thay đổi khẩu phần ăn của trẻ là bệnh tự khỏi. Một trong những sai lầm lớn nhất là cho trẻ ăn theo ý cha mẹ chứ không phải theo nhu cầu của trẻ. Hậu quả mà chúng tôi thường gặp là nhiều trường hợp bệnh nhi bị trào ngược dạ dày thực quản do không chứa nổi thức ăn. Trong lượng thực phẩm bị trào ngược dạ dày thực quản có chứa thêm dịch vị axít, nếu hiện tượng này thường xuyên xảy ra, có thể khiến cho trẻ bị ho, khò khè, viêm mũi họng, viêm phổi và viêm tiểu phế quản, viêm thực quản. Đứa bé sẽ không ngủ được và ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao, cân nặng".

Văn Thanh - An Quý

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

Giới thiệu nhà tư vấn Mộc Quế & HÀNH TRÌNH WRU ĐẾN VIET NAM

Nhà tư vấn Mộc Quế là người thầy của nhiều thế hệ Doanh Nhân, CEO và Cán Bộ Công Chức. Với tâm huyết đã đem sức lực và trí tuệ của mình nhằm cống hiến hoài bảo cho xã hội ngày càng phát triển để theo kịp các nước tiên tiến.   Vì thế , Nhà Tư  vấn Mộc...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.571
  • Tổng lượt truy cập: 24.093.614

Quảng cáo

Liên kết website