Tám đám mây xuất hiện tại Đền Đô nơi thờ 8 vua nhà Lý. Ảnh: Đ.THÌN |
Trong chiếu dời đô ông viết: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.
(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993).
Nhiều người cho rằng, “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn không phải là một áng văn hay đầy khí phách tinh thần dân tộc và truyền thống chống ngoại xâm như bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt hay “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Thế nhưng, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một bản văn thể hiện rõ là một vị vua anh minh, hết lòng chú tâm vì đất nước theo chiều hướng tìm cách tạo nên những điều kiện cần thiết để phát triển đất nước giàu mạnh, tránh cho người dân khỏi lầm than. Đó mới chính là nguyên lý sâu thẳm của thuật trị quốc.
Trong “Chiếu dời đô”, Lý Thái Tổ nêu rõ, những đời vua trước không quan tâm đến việc phát triển đất nước lâu dài nên đóng đô ngay tại quê nhà, vùng đất về mặt phong thủy không tốt vì núi non hiểm trở, chật hẹp không có điều kiện phát triển kinh tế. Về mặt phong thủy, ông cho rằng đó là những đất tạo loạn, nó khiến cho bá tánh khổ cực, xã hội loạn lạc, ngôi báu không được truyền bền vững cho con cháu. Việc lựa cho thành Thăng Long được ông tính toán vì đây là vùng đất tụ được các yêu cầu yên dân, phát triển đất nước lâu dài và giữ được ngôi báu bền vững.
Nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng, vào thời điểm đó, Lý Thái Tổ đã rất thông tuệ thuật phong thủy. Ông nhìn thấy vùng đất này là nơi linh khí mãnh liệt, có thể phát đến vua và tụ được tài vật và nhân kiệt trong thiên hạ.
Trong truyền thuyết, vùng đất Hà Nội bây giờ ngay từ thời Bắc thuộc cũng đã được Cao Biền phát hiện ra là vùng đất phát vương, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Cao Biền đến đây xây thành Đại La với ý muốn trái với Lý Thái Tổ là tìm cách trấn yểm long mạch của xứ này, tại hai điểm núi Tản Viên và sông Tô Lịch.
Thế nhưng, nhờ vận khí nơi đây quá mạnh (hay chính là vận khí của nước Nam) nên Cao Biền đã thất bại. Truyền thuyết cũng cho thấy rằng, dưới sự hỗ trợ của Thiền sư-nhà phong thủy Vạn Hạnh, Lý Thái Tổ cũng nhận ra vùng đất linh thiêng này và dời đô đến đây, nhưng với mục đích kích thích và nuôi dưỡng các long mạch tốt đẹp để đất nước trường tồn.
Theo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố, về mặt phong thủy thì Thăng Long-Hà Nội có thế sau là núi (tọa sơn), trước có sông và minh đường là vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng. Đây là thế đất mà trong Chiếu dời đô Lý Thái Tổ cho rằng thế đất lạ và rất đúng thế với Long chầu Hổ phục. Nếu với rặng núi Ba Vì là tọa sơn thì tả Thanh Long có các dãy núi Tam Đảo kéo dài đến Quảng Ninh, rất dài.
Còn hữu Bạch Hổ là tay ngắn hơn, gồm các rặng núi chạy qua Ninh Bình, Tam Điệp và ra biển Thần Phù. Long mạch đẹp nhất của vùng đất này chính là sông Tô Lịch, lấy nước từ sông Hồng (vốn trước đó là mạch từ các dòng sông bắt nguồn tận Vân Nam Trung quốc đổ về, hội tụ tại ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) thành một dòng dẫn về Hà Nội) rồi đổ vào yếu huyệt hồ Tây rồi dẫn ra các sông nhỏ ngoằn ngoèo tỏa trong nội đô. Như vậy đây chính là vùng khí tụ, vật tụ, tài tụ và nhân tụ.
Gạt ra những yếu tố bị cho là mê tín, rõ ràng Lý Thái Tổ đã tìm được một vị trí đặc địa về giao thương để có thể phát triển kinh tế và thương mại, nơi có bề dày văn hóa nhờ thu hút được giới trí thức tinh hoa về đây sinh sống, nhờ đó mà đất nước có thể phát triển thanh bình.
Thực tế đã chứng minh, sau khi dời đô về đây, đất nước ta có những giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa, nhiều lần đánh tan quân giặc xâm lăng, có những lúc thành Thăng Long bị đốt phá nhưng sau đó nhanh chóng được tu tạo phục hồi nhờ vị trí thuận lợi để hàng hóa vật liệu nhanh chóng chuyển về và sẵn có những nghệ nhân hàng đầu tại đây.
Con mắt nhìn thấu sự phát triển của một vùng đất như thế không phải đời nào cũng có. Cố đô Thăng Long-Thủ đô Hà Nội rõ ràng là một vùng đất thiêng trong tim mỗi người dân Việt Nam. Vùng đất địa linh nhân kiệt ấy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tiến hành vun đắp thuận với lòng người, hòa hợp với đất trời (thiên nhiên và môi trường) để linh khí được bồi bổ giúp đất nước phát triển mãi mãi là điều cần phải làm ngay sau 1.000 năm thăng trầm.
Nguyễn Phước
Hoạt động của tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới 10 năm ở Hà Tĩnh:
Ý kiến bạn đọc