Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục

Đà Nẵng: Công nghiệp Vươn mình vượt khó

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/11/2010 00:09 - Người đăng bài viết: admin
Đà Nẵng: Công nghiệp Vươn mình vượt khó

Đà Nẵng: Công nghiệp Vươn mình vượt khó

TTVN - Ba tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng đạt 2.913,3 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2009. Đa số các mặt hàng sản xuất đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó có nhiều ngành hàng tăng đến 50% như dệt, chế biến gỗ và lâm sản, cao su, nhựa, đồ chơi trẻ em, v.v...
Năm 2009, Đà Nẵng cùng chịu ảnh hưởng nhiều từ khủng hoảng kinh tế thế giới song các chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đã kịp về đích; riêng tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 11.336 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2008, vượt kế hoạch đề ra (11.300 tỷ). Trong đó, công nghiệp trung ương tăng trên 12,2%, công nghiệp địa phương tăng 8%; đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 9% với một số đơn vị đạt mức tăng trưởng khá.
Chẳng hạn, công ty Cổ phần Dệt may 29-3 đã có các thị trường mới tại các nước châu Âu vẫn đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, trở thành một trong số ít doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Công nghiệp thành phố trong năm 2009 (tăng 13,5% so với năm 2008). Các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước… với việc phát huy hiệu quả các thiết bị đầu tư và sự năng động trong cơ chế thị trường, không những có tốc độ tăng trưởng khá mà còn tìm được nhiều thị trường mới tại các nước nhập khẩu vốn nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa.
Đặc biệt, công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một trong số rất ít doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của thành phố nói riêng và cả nước nói chung có sản phẩm được bày bán trực tiếp tại các siêu thị. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế thu được khá cao và được người tiêu dùng ở các nước phát triển tin dùng.
Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ, tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ để trụ vững và duy trì mức tăng trưởng, phần nào khẳng định được năng lực thực sự của mình. Tính đến cuối năm 2009, đã có 5 sản phẩm thuộc 3 ngành hàng là sản phẩm từ cao su (săm, lốp ô tô), may mặc và chế biến thủy sản đông lạnh. Giá trị sản phẩm quần áo may sẵn tăng bình quân 27%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 19,8% hằng năm; sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng bình quân 10%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8% hằng năm. Sản phẩm săm lốp ô-tô tăng bình quân 3%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 44% hằng năm. Các doanh nghiệp đã chuyển dần từ gia công thuần túy sang sản xuất trực tiếp, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần hàm lượng chế biến. Các đơn vị này đã đóng góp gần 20% GDP của thành phố, chiếm trên 42% GDP của toàn ngành công nghiệp.
Có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp cũng như sự định hướng và hỗ trợ đắc lực của Lãnh đạo thành phố. Lãnh đạo các cấp đã phối hợp cùng Sở Công Thương tập trung chỉ đạo và đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cùng với gói kích cầu của Chính phủ, Thành phố. Đà Nẵng đã trích 70 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển của Thành phố cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ hơn 276 triệu đồng phát triển sản phẩm chủ lực.
Việc hỗ trợ lãi suất 4% vào thời điểm đầu năm 2009 đã “cứu” nhiều doanh nghiệp, vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Bà Nguyễn Phi Anh, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: “Năm 2009, ban đầu chúng tôi tưởng chừng như rất khó khăn nhưng khi có sự hỗ trợ kịp thời của gói kích cầu từ Chính phủ kéo theo tất cả các ngành sản xuất phụ trợ có điều kiện sản xuất nhiều hơn; ví dụ như người nuôi trồng thủy sản nuôi nhiều hơn, đơn vị cung ứng bao bì cũng được hỗ trợ nên bán rẻ hơn, các hãng tàu cũng giảm giá vận chuyển. Do đó, giá nguyên liệu, giá bao bì, giá các loại vật tư mà chúng tôi nhập khẩu hay mua trong nước đều giảm 30%. Điều này đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, cho nên, năm 2009, công ty đạt lợi nhuận gần 40 tỷ đồng. Có thể nói rằng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, của thành phố cho doanh nghiệp tuy không lớn song nó có ý nghĩa động viên tinh thần cho chúng tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất. Năm 2009 là năm mà tất cả các ngành đều đồng cảm, hiểu cái khó khăn và rất quan tâm đến doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng trong thời gian đến dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức chưa thể sớm khắc phục được ngay do một số ngành, sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm, khả năng cạnh tranh kém, nguồn lao động chưa đảm bảo nhu cầu về số lượng. Bên cạnh đó, giá cả nguyên nhiên liệu, tỷ giá VNĐ/USD, vàng biến động tăng, giảm khó lường, không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn, một số doanh nghiệp tuy đã nỗ lực tổ chức lại thị trường, sản xuất song còn ít các hợp đồng tiêu thụ dài hạn đã ảnh hưởng đến giá trị sản xuất một số ngành.
Tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010- 2015, Ngành Công Thương Đà Nẵng đặt chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đến năm 2015 là 24.100 tỷ đồng với tăng trưởng bình quân hằng năm là 13,24%; riêng năm 2010 tỷ lệ tăng trưởng đạt trên 15%. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Phan Văn Kha, ông Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng: “Các ngành, các cấp cần phải thường xuyên bám sát doanh nghiệp, nắm bắt tình hình thực tế thị trường trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm ổn định và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án đầu tư mới triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn và các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và có sức sản xuất lớn đối với một số sản phẩm tiêu dùng và các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng cho sản xuất sản phẩm chính, góp phần giảm nhập khẩu.”
TTVN I Báo Thị trường Việt Nam I Theo BCT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tiêu điểm

KÍCH HOẠT LIÊN KẾT 4 NHÀ

Về phía Nhà nước, tại buổi tọa đàm truyền hình online trực tiếp tại Báo Bình Dương, ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, nơi có đến hơn 80%diện tích đất nông nghiệp, cho biết: "Hiện chúng tôi đang tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển mô hình...

Bộ đếm

  • Phút online: 1.508
  • Tổng lượt truy cập: 24.596.923

Quảng cáo

Liên kết website