Hợp tác quản trị nhân tài Kỷ Lục


  

Theo Tạp chí Người Tiêu Dùng

THÁNG 10 CÓ 3 NGÀY LỄ LỚN: NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13/10), NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10), NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10). TẠP CHÍ NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN BIẾT CÓ CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ KHOA HỌC, NHÀ TƯ VẤN DOANH NGHIỆP – TS MỘC QUẾ - NGƯỜI GẮN BÓ RẤT NHIỀU VỚI CÔNG VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN 3 NGÀY TRÊN.


PV: Tháng 10 mùa thu, chạm đến 3 thời điểm thú vị: 13/10,14/10,20/10 lại có trong một con người – TS Mộc Quế. Ông đã gắn bó hơn 20 năm đào tạo nhân tài , doanh nhân trên 3 lĩnh vực này. Vì lý do gì ông lại dấn thân như thế?

TS Mộc Quế: Tôi may mắn có điều kiện được học, được các Hiệp hội, Tổng công ty, Tập đoàn và nhiều Tỉnh ủy … tạo cho môi trường để tôi cống hiến. Họ làm “bà đỡ” cho việc đã tạo nguồn nhân lực, nhân tài, góp phần trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Còn bản thân tôi khi dạy, đào tạo các lớp này thường không lấy tiền thù lao, còn cho học bổng, nên đã quy tụ được nhiều học trò, nhiều chủ doanh nghiệp – doanh nhân tham gia. Quan niệm bất biến của tôi từ ngày đặt nền móng cho nghề tư vấn doanh nghiệp đó là: Lấy việc thành công của người khác, của doanh nhân coi đó là hạnh phúc cho mình.

PV: Vào google gõ từ khóa “Tiến Sĩ Mộc Quế” có rất nhiều website, bài báo, clip nói về ông. Đặc biệt, ông là tác giả của cuốn sách “9 kỹ năng xây dựng thương hiệu”, ông có thể chia sẻ về cuốn sách và công việc giảng dạy của ông về văn hóa và thương hiệu doanh nghiệp?

TS Mộc Quế: Tôi đang huấn luyện văn hóa doanh nghiệp cho một số đơn vị thuộc Tổng Công ty SATRA như: Chợ Bình Điền, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, văn phòng Tổng Công ty SATRA, rồi Tổng công ty Cấp nước, trên 10 lớp “ Xây dựng văn hóa doanh nghiệp” cho Liên Đoàn Lao Động TP.HCM, Long an, Tiền giang, Vũng tàu, Hà Tĩnh… đều gắn liền với nội dung cuốn sách này. “ 9 kỹ năng xây dựng thương hiệu” tôi viết từ năm 1986 đến năm 2010 mới xong. Đó là hệ thống trên 50 bài giảng dạy, nói chuyện, những kinh nghiệm thực tiễn và xem như sổ tay kỹ năng đào tạo doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp áp dụng và tập luyện theo 9 kỹ năng trong cuốn sách này, tội hy vọng doanh nghiệp ấy sẽ thay đổi. Cuốn sách giúp nâng cao năng lực bản thân, đặc biệt đối với tư duy kinh doanh.

PV: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nếu có lời chia sẽ hay lời khuyên cho doanh nhân, ông sẽ nói gì?

TS Mộc Quế: Bản thân mỗi doanh nhân phải ý thức rằng phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc kinh doanh. Phải xây dựng một gia đình doanh nhân hài hòa, tức mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình hòa thuận, tương thân tương ái trong cuộc sống và công việc. Đừng bao giờ để xãy ra tình trạng khi doanh nhân thành công , có cả đống tiền nhưng lúc quay về thì gia đình đã tan nát! Sự nghiệp kinh doanh của một doanh nhân đều có âm hưởng của đời sống văn hóa gia đình. Đằng sau sự thành công của doanh nhân phải để lại một nền tảng: Sự tồn tại của doanh nghiệp (hay sự nghiệp) và cả sự tồn tại của gia đình.
Hiện nay, nhiều doanh nhân đang rơi vào tình trạng quá tải do công việc kinh doanh. Có nhiều doanh nhân thừa nhận rằng họ rất có lỗi với vợ, với con, với gia đình vì không có thời gian để quan tâm, chăm sóc. Họ cố kiếm tiền thật nhiều, dành thị trường thật lớn nhưng chính cái gia đình bé nhỏ ấy lại bỏ rơi. Ai đó đã nói: “Không ở đâu bằng nhà mình và không ở đâu hạnh phúc và bình an bằng bên cạnh những người thân của mình khi mình gặp sóng gió trong cuộc đời”.

PV: Theo đề án cải cách nông nghiệp của Chính phủ, trong đề án muốn tạo ra một đội ngũ “Doanh nhân nông thôn” , “Doanh nghiệp ở tại nông thôn”, ông đánh giá như thế nào về đề án này nhân dịp 14/10 – ngày của nông dân Việt Nam?

TS Mộc Quế: Tôi rất tiếc là trong đề án này không có chương trình đào tạo chủ ruộng, chủ vườn, chủ trang trại thành chủ doanh nghiệp. Suốt 10 năm, từ 1997 đến 2007, tôi làm cố vấn cho văn phòng phía Nam TW Hội Nông dân Việt Nam, cùng xây dựng 7 chương trình ở phía Nam, trong đó có 2 việc khá hiệu quả. 1/ Đào tạo nông dân thành doanh nhân trong liên kết 4 nhà làm nòng cốt trong cuộc thi “Nhà nông đua tài”. 2/ Học lộ trình nông dân hội nhập WTO (ngay khi Đoàn đàm phán WTO đang đàm phán). Từ 2008 – 2013, tôi đã đưa chương trình  “Đào tạo làng Mới” (SaeMaul Udong) của Hàn Quốc vafp Tp-Hcm và Hà Tĩnh, đến tháng 9/2013 thì Tổng Thống Hàn Quốc đã ký tài trợ chuyển giao phong trào Làng Mới (SaeMaul Udong) chính thức cho Việt Nam. Có thể nói, đây là sự thú vị, độc đáo, vì đó là các giải pháp góp phần đào tạo nhân lực và nhân tài ở nông thôn Việt Nam. Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hàn Quốc có nền tảng căn bản từ gốc là xây dựng Làng Mới (đến nay họ vẫn đang tiếp tục) thành chương trình Quốc tế giúp Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, từ ngày 19/9/2009 – 19/9/2013, tôi đã ký giúp đỡ chuyển giao đào tạo về Hà Tĩnh với đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì). Đây là chương trình quốc tế quan trọng để làm nông thôn mới giúp cho Hà Tĩnh lên tóp đầu xây dựng thành công nông thôn mới. Tôi sẵn sàng chia sẻ với những tỉnh khác về xây dựng nông thôn mới.

PV: Tại sao Tiến Sĩ luôn chọn đề tài “Văn hóa nữ doanh nhân gắn với phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” khi nói chuyện với các Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vũng Tàu, Nghệ An và Tp-Hcm, Tổng công ty SATRA, Cao su Đà Nẵng và THACO?

TS Mộc Quế: Nữ doanh nhân có 4 nhóm. Nhóm 1: Kinh doanh nhỏ chỉ lo cho gia đình, rất tất bật. Nhóm 2: Cố gắng cùng chồng và gia đình xây dựng một sự nghiệp kinh doanh vừa. Nhóm 3: Nhóm xây dựng thương hiệu lớn, muốn vươn ra thế giới cùng với đồng đội và gia đình. Họ xoay như chong chóng để thành đạt. Nhóm 4: Chỉ một mình, không chồng, vượt khó, đạp bằng sóng gió để lập nghiệp, có thất bại, có thành công. Cho dù ở nhóm nào thì tất cả họ đều chỉ mong muốn được giàu có và hạnh phúc. Nhưng một bộ phận không nhỏ nữ doanh nhân vẫn chưa được đào tạo, được học bài bản. Theo tôi, các địa phương khác nên có các lớp “Kỹ năng đào tạo tài năng nữ trong doanh nghiệp” để giúp các doanh nghiệp do nữ làm giám đốc như ở Hà Tĩnh đang làm và rất có tích cực.
Có 5 nhóm giải pháp để đào tạo gồm: 1) Cung cấp kiến thức (trí tuệ, trí lực). 2) Chia sẽ phương pháp tư duy mới để hạ tâm mình, tập khoan dung, vị tha trong đời sống làm mẹ, làm vợ và làm bạn (tâm lực). 3)Tạo ngoại lực: Học theo phương pháp 5W/1H và 5 nghiệp vụ tư vấn đặc biệt môn SEO để quy tụ nhân tài, sử dụng tốt quan hệ trong kinh doanh (ngoại lực). 4) Tạo ra khả năng thành công trong từng việc nhỏ (Tài lực). 5) Cách tạo ra tài chánh, cơ sở vật chất, cách sử dụng tiền bạc hợp lý và có ý nghĩa (vật lực ) .

PV: Nhân đây xin hỏi thêm, ông cũng đã viết và xuất bản cuốn sách “Xây dựng văn hóa gia đình doanh nhân” phải không, thưa ông?

TS Mộc Quế: Cuốn sách này tôi đã xuất bản cách đây 3 năm, trong đó có đủ điều kiện để nữ doanh nhân tự học và sách còn chỉ ra cách giải quyết. Cuốn sách cũng là công trình hơn 20 năm tôi đã đúc kết từ hàng trăm lớp thực hành quản trị cho nữ doanh nhân.

PV: Cảm ơn Tiến Sĩ Mộc Quế , chúc ông luôn có sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp vì sự phát triển nhân lực và nhân tài cho đất nước.

 
 

Tin tiêu điểm

Bộ đếm

  • Phút online: 1.477
  • Tổng lượt truy cập: 24.863.127

Quảng cáo

Liên kết website